Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

MAO TRẠCH ĐÔNG CUỘC ĐỜI CHÍNH TRỊ VÀ TÌNH DỤC - PHẦN 2

Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 6
Quái Thai Kinh Tế: Các Nhà Máy Luyện Kim Sau Hè


Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch 

Ngày 10 tháng 9 năm 1958, Mao Trạch Ðông thực hiện chuyến thăm dân một lần nữa để tận mắt chứng kiến những đổi thay trong cả nước. Trước hết Mao và đoàn tùy tùng đáp máy bay đi Vũ Hán. Hai trong số những người thán phục Mao nhất là Trương Trị Trung và Tân Ðế Thánh đến yết kiến Mao. Trương Trị Trung trước đây là đảng viên Quốc Dân Ðảng đào ngũ theo Mao. Y chào Mao bằng một câu nịnh bợ thật trơ tráo "Ðiều kiện đất nước ta thật tuyệt vời, phù hợp hoàn toàn với câu thiên thời, địa lợi và nhân hòa". Tân Ðế Thánh cũng không quên nịnh bợ Mao bằng nhiều câu tương tự, y còn thỉnh mời Mao thăm viếng Tỉnh An Huy. Mao đồng ý. 
Chúng tôi đi An Huy bằng thuyền dọc sông Trường Giang đến thành phố An Kinh, ngay sát ranh giới tỉnh An Huy rồi chuyển sang xe đi Hợp Phố, thủ phủ tỉnh An Huy. Tại đây chúng tôi cũng chứng kiến một "kỳ diệu mới" là những "nhà máy luyện kim sau hè". Mỗi "nhà máy luyện kim sau hè" gồm một lò đúc bằng gạch cao chừng 4 hay 5 mét. Lửa đang phun ngùn ngụt và bên trong lò đúc đó không phải là hợp kim thép hay sắt được khai từ mỏ địa chất mà toàn là nồi niêu xoong chảo từ nhà bếp của dân chúng và các dụng cụ nhà cửa khác !!. Khi chúng chúng tôi đến thì những vật dụng nầy đang được đốt và đang cháy xì xèo. Tân Ðế Thánh chỉ chúng tôi xem và gọi những thứ nầy là thép !!. Thú thiệt mãi cho tới nay, tôi vẫn chưa hiểu nổi sáng kiến "nhà luyện kim sau hè" nầy phát xuất từ đâu. Nhưng lý luận thì rất dễ hiểu: Tại sao phải tốn kém nhiều tiền của để khai thác thép và xây những nhà máy hiện đại trong khi có thể sản xuất dụng cụ bằng những phương pháp ít tốn kém như thế nầy. Kiến thức khoa học trẻ con nầy dù sao đã dẫn đến sự hình thành của các quái thai kinh tế: "Nhà máy luyện kim sau hè" vậy. 


Tôi hết sức ngạc nhiên. Lò đúc nầy đang đốt cháy những đồ dùng trong nhà thành những quặng mà họ gọi là thép. Ðốt chảy một con dao chỉ để chế một con dao khác. Tôi không biết phẩm chất của chúng có đủ tốt hay không nhưng cảm thấy thật không thích hợp chút nào nếu chỉ đốt chảy dao để làm dao, đốt chảy sắt thành sắt. Những lò đúc kiểu đó nhan nhản ở An Huy. 



Cuối chuyến viếng thăm An Huy, Trương Trị Trung đề nghị Mao nên ngồi xe mui trần đi qua các đường phố để nhân dân có dịp chiêm ngưỡng dung nhan của vị lãnh tụ kính yêu. Tài nịnh bợ khéo léo của họ Trương đã thuyết phục được Mao. Năm 1949, Mao tiến vào Bắc Kinh cũng trên chiếc xe nhỏ mui trần giữa tiếng hoan hô vang dội của hàng triệu nhân dân Trung Quốc đứng dọc hai bên đường. Một lần nữa vào năm 1956, trong một chuyến viếng thăm Nam Dương, Tổng Thống Sukardo đã mời Mao ngồi trên một xe mui trần. Hôm ấy là lần thứ 3 Mao đã ngồi trên xe mui trần đi ngang qua đường phố Hợp Phố. Ba trăm ngàn người đứng dọc hai bên đường để chiêm ngưỡng dung nhan của lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Ðông. Cả rừng người cùng cất tiếng hoan hô vang dội "Mao Chủ Tịch muôn năm", "Công Xã Nhân Dân muôn năm", "Bước Tiến Nhảy Vọt Muôn Năm". Ðám đông nầy cũng đã được cục an ninh tỉnh Anh Huy chọn lựa cẩn thận. 



Mao bắt đầu thuyết giảng về việc thiết lập hệ thống cung cấp thực phẩm tự do trong các Công Xã Nhân Dân ở khu vực thôn quê. Trong những Công Xã nầy, người dân có toàn quyền ăn những món gì họ muốn mà không cần phải trả tiền. Mao cũng thuyết về việc chấm dứt phương pháp trả lương cho công nhân và nông dân. Những nhu cầu căn bản sẽ do nhà nước cung cấp, người dân chỉ cần một số phụ cấp nhỏ để trang trải cho các chi phí đột xuất. 



Vào hôm 15 tháng 9, Trương Xuân Kiều, giám đốc cơ quan tuyên truyền Ðảng Bộ Thượng Hải viết một bài báo cổ võ cho phương pháp cung cấp thực phẩm tự do. Mao rất thích bài báo và cho vời họ Trương đến gặp Mao trên xe lửa. Ðây là lần đầu tiên tôi gặp họ Trương, con người đã trở nên một lãnh tụ hàng đầu trong Cách Mạng Văn Hóa và sau đó là một phần tử trong "Bọn Bốn Người". Ngay từ lần đầu mới gặp tôi đã không ưa họ Trương vì bản tính lạnh lùng, thiếu thân thiện của y. Không ai trong bộ tham mưu của Mao muốn hệ thống cung cấp tự do nầy sống lại. Dương Tử Long là một ví dụ. Họ Dương thích đời sống xa xỉ và lương cao. Đặc quyền đặc lợi đã cho phép hắn đạt đến tất cả những gì hắn muốn nhưng hắn vẫn thích được trả lương. Họ Dương cũng biết tôi không đồng ý với phương pháp cung cấp thực phẩm tự do nên khuyến khích tôi để đệ trình ý kiến lên Mao. Nếu được thì y có lợi nhưng nếu không được thì tôi sẽ bị phê bình là phần tử lạc hậu chứ không ảnh hưởng gì đến tương lai chính trị của y. 



Mao thì vẫn còn do dự. Khi thấy tôi bước vào, Mao ngẩng đầu hỏi "Có tin tức gì không ?". Tôi đáp "Chúng tôi đang thảo luận với nhau về hệ thống cung cấp tự do", Mao lại hỏi "Có sáng kiến gì không ?". Tôi giải thích những khó khăn tôi phải đương đầu trong trường hợp không có lương mà có quá nhiều người trong gia đình cần được săn sóc. Mao còn nghĩ đến việc thiết lập các công xã nhân dân ngay cả trong thành phố. 



Mao đồng ý đây là vấn đề quan trọng "trước khi quyết định dĩ nhiên chúng ta tính toán cẩn thận số lượng lao động hiện đang có và khả năng của Công Xã để cung cấp cho những thành phần không sản xuất. Nếu có quá nhiều người già và quá trẻ thì quả thật là có vấn đề". Sau khi tôi ra khỏi phòng, thái độ hăng hái của Mao về hệ thống cung cấp tự do đã giảm đi nhiều. Mặc dù Mao vẫn cảm thấy phấn khởi về những đổi thay nhanh chóng trong sản xuất, y vẫn chú để tâm nhiều đến những ý kiến khác trong việc đánh giá kết quả của các chính sách mà Mao đề ra. Tôi nghĩ chính bản thân Mao cũng có một mức độ hoài nghi nào đó về thành quả của các "lò luyện kim sau hè" đã đem lại rằng liệu là các lò sản xuất sắt thép lẻ tẻ đó có thể giúp cho sản lượng sắt thép Trung Quốc qua mặt Anh trong mười lăm năm hay không ?. Ðiều Mao muốn biết là tại sao tại các nước tây phương, họ phải xây dựng các nhà máy luyện kim khổng lồ, trong khi ngay cả mấy cái lò đúc bằng đất ở Trung Quốc cũng có thể sản xuất ra sắt thép, chẳng lẽ bọn nước ngoài ngu đến thế hay sao ?. 



Ngoài ra, một nhân vật khác là Ðiền Gia Anh cũng có những quan điểm lo ngại về phương pháp cung cấp tự do mà Trương Xuân Kiều viết trong bài báo của y. Ðiền Gia Anh tố cáo Trương Xuân Kiều viết báo một cách vô trách nhiệm, nhằm mục đích duy nhất là làm vừa lòng Mao Trạch Ðông. Họ Ðiền biện luận rằng "Chúng ta không thể loại bỏ các nhu cầu căn bản về dinh dưỡng và ăn mặc của quần chúng lao động, thật là sai lầm khi nghĩ rằng chúng ta có thể tiến lên chủ nghĩa Cộng Sản kéo lê lết các tầng lớp lao động trần truồng và đói rách theo sau". Họ Ðiền phàn nàn "Trong quá khứ, Ðảng ta luôn chủ trương tìm sự thật qua các sự kiện, bây giờ thì việc đó không còn nữa. Mọi người đang lừa dối, khoác lác và mất cả ý niệm thế nào là xấu hổ". Ðiền Gia Anh cũng nhắc lại câu chuyện vua nhà Chu ngày xưa đi tìm một cô gái có thân hình mảnh khảnh thay vì đẫy đà thì cả mấy ngàn cung nữ lo nhịn ăn để cho ốm bớt. Ngụ ý của họ Ðiền ví Mao như Chu Hoàng Ðế và đám cán bộ đảng là cung nữ, họ chỉ biết làm mọi cách để thỏa mãn ước muốn của Mao mà không cần biết điều Mao muốn là đúng hay sai. Ðám cán bộ cao cấp vừa muốn nịnh bợ Mao vừa lo sợ cho tương lai chính trị của chúng nên chỉ biết chuyển áp lực lên đầu lên cỗ nhân dân. 



Các nhà tâm lý học quần chúng có thể có một lời giải thích về những sai lầm trong chính sách kinh tế của Mao vào cuối năm 1958. Trung Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn về tâm lý do Mao nuôi dưỡng và chính bản thân Mao cũng trở thành nạn nhân của chính sách kinh tế của ông ta. Khi chúng tôi trở lại Bắc Kinh để tham dự ngày lễ Tháng Mười, tôi nhận thấy chính Mao cũng tin vào khẩu hiệu "Bước Tiến Nhảy Vọt", bằng chứng là Mao ra lịnh thiết lập "lò luyện thép" ngay cả tại trung tâm quyền lực Trung Nam Hải. Vào ban đêm cả khu dinh thự trung ương gần như ngập chìm trong biển lửa phát ra từ cái lò đúc bằng đất mà Mao gọi là "lò luyện kim" nầy. Tất cả các lãnh tụ cao cấp đều không ai dám bình luận điều gì, duy mỗi một tiếng nói duy nhất phát ra trong giai đoạn nầy là tiếng của Mao.

Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 7 
Những Trò Giả Dối Khó Tin Nhưng Có Thật


Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - tvvn.org




Sau ngày lễ Tháng Mười, chúng tôi lại tháp tùng Mao đi kinh lý miền Nam. Mùa lúa đang đến. Trên cánh đồng mênh mông chúng tôi chỉ thấy toàn là đàn bà và em bé gái. Lực lượng lao động chính đã bị động viên làm việc trong các "lò luyện kim sau hè" của Mao. Các trạm tin tức được thành lập trong các công xã để công bố những tin tốt lành về cả sản xuất nông nghiệp lẫn sắt thép. Tự nhiên tôi cảm thấy thắc mắc làm thế nào mà Trung Quốc lại chuyển hóa một cách mau lẹ đến thế. Một buổi tối trên chuyến xe lửa, tôi và Lâm Khắc chia xẻ tâm sự chung về những biến chuyển kinh tế, Lâm Khắc nói cả nước Trung Hoa đang diễn một vở kịch nhiều màn mà khán giả và cũng là đạo diễn là Mao Trạch Ðông. 



Các bí thư đảng địa phương ra lịnh xây dựng lò đúc dọc hai bên đường xe lửa mà Mao hay qua, phụ nữ thì phải ăn mặc sặc sỡ hai màu xanh đỏ. Tại tỉnh Hồ Bắc, viên bí thư tỉnh còn thậm chí chỉ thị nông dân để dời cả những thửa ruộng nằm sâu trong làng ra sát đường rầy xe lửa để gây cho Mao cái ấn tượng là mùa màng đang dư dã. Lúa được trồng quá sát với nhau đến nỗi dân địa phương phải đặt quạt điện bốn góc ruộng để thổi không khí vào cho thông, nếu không thì lúa sẽ chết. Lâm Khắc nói với rằng con số thống kê lúa gạo đều là con số giả vì không có đất nào có có thể thu hoạch được mỗi mẫu 20 hay 30 ngàn cân thóc. Còn đồ đạc sản xuất từ những "lò luyện thép sau hè" đều trở thành vô dụng. Sắt thành phẩm mà chúng tôi thấy ở An Huy được khoe là thành phẩm của công xã theo Lâm Khắc thì chúng chẳng qua là sắt thật mang đến từ nhà máy luyện kim hiện đại. Báo chí thì in theo lệnh cấp trên và dĩ nhiên là đăng đầy tin xạo. Thật vậy, nếu tờ Nhân Dân Nhật Báo mà đăng thì ai dám cho đó là tin giả. 



Nếu Lâm Khắc nói thật thì chẳng lẽ chưa một ai báo cáo sự thật với Mao hay sao ?. Những cố vấn của Mao đâu hết rồi ? Những người như Ðiền Gia Anh, Hồ Kiều Mộc, Trần Bá Ðạt, Vương Kính Tiên, Lâm Khắc, ngay cả Chu Ân Lai đâu mất rồi ? Nếu họ biết sự thật tại sao họ lại không báo cáo lên Mao ? Nhưng tôi không thấy bất cứ ai nói lên điều gì. 



Từ những buổi trao đổi trò chuyện giữa tôi và Mao, tôi nghi ngờ rằng Mao có thể không biết một cách chính xác những gì đang xảy ra. Ðiều Mao nghi ngờ không phải là những con số thống kê ma nhưng lo ngại việc nhiều người đang cho rằng chủ nghĩa Cộng Sản đang tới trong tầm tay. Mao không nghĩ vậy, ông ta nói với tôi "Dĩ nhiên Công Xã là một cái mới nhưng phải cần làm rất nhiều để biến chúng thành những cơ chế thịnh vượng được. Nhiều cán bộ nóng lòng muốn đẩy mạnh lên chủ nghĩa Cộng Sản, đây là vấn đề mà chúng ta phải đối đầu". 



Khi Mao triệu tập hội nghị trung ương và các lãnh đạo cao cấp địa phương tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam thì phong trào vẫn còn rất mạnh. Theo Mao thì Bước Tiến Nhảy vọt và Công Xã Nhân Dân phải được xác định lần nữa. Ðối với sự chuyển tiếp lên chủ nghĩa Cộng Sản thì cần phải kiên trì. Nông dân hiện đang làm việc quá sức họ. Cán bộ các cấp phải chú ý đến sự an nguy của quần chúng. Mấy tháng trước Mao ra sức động viên cán bộ để lao vào hoạt động bây giờ thi Mao lại ráng để giảm bớt đà lại. Mao trong giai đoạn nầy cũng chẳng e dè kiêng nể gì ai. Hằng đêm Mao và cô y tá của y xuất hiện công khai trong những buổi dạ vũ, tôi cũng biết cô y tá nầy đã ở lại đêm với Mao. 



Ðoàn quân chí nguyện Trung Quốc cuối cùng vừa từ Bắc Hàn trở về và Ðoàn Văn Công thuộc binh đoàn thứ 20 được chính Mao đích thân chào đón. Hàng chục cô gái trẻ măng quấn quít chung quanh Mao, tranh giành nhau để được nhảy với Mao. Tôi còn nhớ một cô gái trẻ nhảy nhịp nhàng với Mao, càng lúc càng trở nên dạn dĩ hơn, dựa người vào Mao theo nhịp múa. Mao hẳn nhiên cũng vui mừng thích thú và thường ở lại cho đến 2 giờ sáng. 



Sau Hội nghị Trịnh Châu, tôi tháp tùng Mao sang Vũ Hán bằng xe lửa. Tại Vũ Hán Mao triệu tập Hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng thứ sáu. Trong hội nghị nầy, Mao chính thức từ chức Chủ Tịch Nhà Nước nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Nhưng Mao chỉ từ bỏ chức vị chủ tịch để trở nên một hoàng đế. Mọi quyền lực vẫn còn tập trung trong tay Mao. 



Sau vài ngày được phép Mao cho về thăm gia đình, tôi trở lại thì hội nghị sắp sửa bế mạc. Trong buổi tiệc chiêu đãi dành cho đại biểu cao cấp của đảng, tôi lại một lần nữa được nghe những lời tâng bốc. Chu Ân Lai tuyên bố "Ðồng chí Trần Bá Ðạt có lần đã nói một ngày trong một chủ nghĩa xã hội thật sự sánh bằng hai mươi năm trong một xã hội không Cộng Sản. Hôm nay chúng ta mới thấy được năng xuất mạnh mẽ đó". Kha Khánh Thi cũng phát biểu đúng theo nhịp "Thật là sai nếu nói rằng không ai có thể có những thành tựu vượt qua được Karl Marx, có phải chúng ta đã qua mặt Marx cả trong lý thuyết lẫn ngoài thực tế đó sao ". Rồi ngay sau đó có người phê bình cả Liên Xô "Nhiều thập niên trôi qua, Liên Xô đã cố gắng thiết lập một cơ chế tiến bộ trong phát triển xã hội nhưng họ hoàn toàn thất bại. Chúng ta đã hoàn thành mục tiêu trong vòng chỉ mười năm". Ðêm đó mọi người thay phiên nhau nâng chén chúc mừng. Mao dù rất ít uống cũng đã uống khá nhiều, mặt mày đỏ gay. 



Sản xuất nông nghiệp vụ mùa thu theo thống kê là cao nhất trong lịch sử nhưng giữa tháng 12 thì thực phẩm bắt đầu khan hiếm trầm trọng. Tai họa bị che đậy trong nhiều tháng bắt đầu lộ diện. Trong những gia đình trung bình thịt cá đã biến mất, rau cải cũng hiếm hoi dần. Thực tế thì quá nhiều điều đã đi lạc đường. Mùa màng không ai gặt. Lao đông chính bị đưa đi sản xuất sắt thép, đàn bà trẻ con thì không đủ sức gặt đành phải đứng nhìn lúa rã mục trên đồng. Nhiều người bắt đầu chết đói. 



Ðể giảm thiểu tổn thất và tiết kiệm thực phẩm. Các Công Xã thông báo rằng mùa màng bị thất thu là do thiên nhiên. Tình trạng tại các lò đúc cũng tệ hại không kém. Than đá không đủ để đốt lò nên dân chúng phải tận dụng cả gỗ, bàn ghế và giường chiếu. Nhưng những đồ làm được thì hoàn toàn vô dụng. Mao nói rằng Trung Quốc chưa bước vào chủ nghĩa Cộng Sản nhưng một số cơ cấu theo kiểu Cộng Sản đã hình thành. Quyền tư hữu đã bị xóa bỏ bởi vì tài sản tư nhân đã bị trưng dụng để xử dụng trong các lò đúc. Những lời phê bình manh nha nhắm vào Mao đã bắt đầu. 



Ngày 26 tháng 12, Mao và bộ tham mưu của ông dừng lại ở Quảng Châu nhân dịp sinh nhật lần thứ 65 của Mao. Bí Thư thứ nhất Quảng Châu là Ðào Trú tổ chức một tiệc mừng sinh nhật thật lớn nhưng Mao từ chối tham dự, viện cớ "Khi tôi còn nhỏ thì rất thích tổ chức sinh nhật, nhưng bây giờ mỗi lần sinh nhật đến có nghĩa là già thêm một tuổi, trưởng thành hơn và cũng gần ngày chết hơn một năm". Tôi nghĩ Mao không muốn xuất hiện vì cảm thấy bị mất sĩ diện. Chính sách "Bước Tiến Nhảy Vọt" đã không đem lại kết quả như Mao muốn và y đang cố tình tìm hiểu lý do. Suốt đêm sinh nhật, Mao nằm trên giường. Mao dặn tôi về báo cáo ông ta biết về buổi tiệc sinh nhật của ông ta nhưng tôi uống khá say, về tới nhà là lăn đùng ra ngủ quên mất việc phải đi báo cáo với Mao. 



Lý Ngân Kiều đánh thức tôi dậy ngay nửa đêm để lên đường đi Bắc Kinh. Giang Thanh không ngủ được. Bà ta thức dậy rất sớm để chỉ thị cô y tá đưa bà ta thêm một viên thuốc ngủ nhưng tìm mãi từ phòng trực đến phòng riêng cũng không thấy cô y tá của mình ở đâu. Bản tánh nghi ngờ, Giang Thanh mở cửa bước vào phòng Mao thì đúng là cô y tá đang ngủ với Mao. Lý Ngân Kiều kể tôi nghe những gì xảy ra. Ðó cũng là lần đầu tiên kể từ khi tôi biết bà, Giang Thanh đã nổi ghen với Mao như vậy. Ngoài ra, cách đó không lâu cũng xảy ra một chuyện loạn dâm giữa Mao với cả hai mẹ con của một bà trước đây đã phục vụ Mao. Dù thời gian qua, Mao vẫn duy trì việc tiếp xúc với bà phục dịch và khuyến khích con gái bà ta về việc học hành. Có lần Mao gởi tặng bà 300 đồng để con gái bà ghi danh vào trường học. Cô con gái viếng thăm Mao và ở lại trong phòng ngủ của Mao suốt những ngày nghỉ mùa đông của trường. Một lần viếng thăm khác xảy ra vào tháng mười một ở Vũ Hán. Giang Thanh khám phá ra và nghi ngờ chồng mình đã ăn nằm không những với bà phục dịch trước đây mà cả với con gái của bà ấy. Mỗi lần có chuyện cãi cọ với Giang Thanh, phản ứng quen thuộc của Mao là bỏ đi. Lần nầy thì Mao hạ lệnh trở về Bắc Kinh tức khắc. 



Tình hình Bắc Kinh bước vào đầu năm 1959 thật là hỗn loạn, kinh hoàng. Tin đồn rằng Công Xã Nhân Dân sẽ sớm được thiết lập lan tràn khắp thành phố. Mọi người lo sợ là tài sản cá nhân của họ bị trưng công. Thành phố vì vậy trở thành khu chợ trời khổng lồ. Người ta lo bán đổ bán tháo đồ dùng để kiếm tiền mặt. Gia đình tôi cũng sa sút nhiều kể từ khi chính sách "Bước Tiến Nhảy Vọt" của Mao ra đời. Tôi dành suốt năm 1958 để tháp tùng Mao, nên ai cũng vui mừng khi thấy tôi trở lại. Mẹ tôi lo sợ rằng bà ta sẽ bị bắt làm việc trong công xã đô thị nhưng bà thì quá già lại sẽ lo lắng cho hai đứa con tôi khi vợ tôi phải đi làm suốt ngày. Ai sẽ là người chăm sóc trẻ con khi công xã đô thị được thành lập. Mao đã nghĩ đến việc thiết lập các nhà giữ trẻ công cộng. 



Mùa đông đầu năm 1959, tình trạng thực phẩm bị thiếu hụt trầm trọng. Vợ tôi vẫn ăn cơm chung với tôi tại nhà ăn Trung Nam Hải. Thịt cá là món ăn không có trong những bữa ăn, phẩm chất đã giảm sút rất nhiều nhưng số lượng thì vẫn còn đầy đủ. Trung Nam Hải là cơ sở đầu não của Ðảng nên cũng là nơi cuối cùng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng thực phẩm. Tình trạng của mẹ tôi thì khác, bà gặp khó khăn ngay cả đi tìm mua những món cần dùng căn bản nhất. Thịt hẳn nhiên là không có nhưng ngay cả gạo và dầu cũng rất khó mua. Dân chúng phải sắp hàng dài để mua những món cần thiết. 



Ðoàn tụ với gia đình không được bao lâu thì tôi lại phải tháp tùng Mao viếng thăm Mãn Châu. Lịnh khẩn cấp đến nỗi tôi không kịp xếp áo quần, quên cả mặc đồ ấm và đem theo những vật dụng cần dùng như kem và bàn chải đánh răng. Vài giờ sau chúng tôi bước xuống phi trường Sầm Giang, khu vực lạnh nhất của Trung Quốc. Mao nhìn tôi trơ trụi không có áo ấm hay áo choàng, nói chơi "Có phải đồng chí bán áo quần đi vì sợ Bước Tiến Nhảy Vọt ? Hay là gởi tặng cho nhân dân các công xã hết rồi ?". May mắn là Mao đã thăm viếng khu vực nầy chỉ năm ngày. 



Lý do Mao đi thăm miền Bắc là vì khu vực nầy là vùng công nghiệp nặng của Trung Quốc, nơi tập trung các mỏ sắt thép. Mao muốn biết làm thế nào sắt thép được sản xuất và liệu sản phẩm của các "lò đúc" của công xã có tốt hay không. Trong thâm tâm Mao muốn phân tán nhỏ việc sản xuất sắt thép nhưng cứ băn khoăn một điều là tại sao các quốc gia tây phương lại luôn dựa vào những nhà máy luyện kim khổng lồ để sản xuất sắt thép. 



Những gì Mao học trong chuyến viếng thăm ngắn nầy đã trả lời thắc mắc của ông ta rằng sắt thép phẩm chất cao chỉ có thể được sản xuất từ những nhà máy hiện đại với những chất đốt thích hợp như than đá chẳng hạn. Khi trở lại, tuy nhiên, Mao vẫn chưa ra lịnh các cho lò đúc ngưng việc sản xuất sắt thép lý do là y không muốn làm giảm nhiệt tình của quần chúng đang lên. Chúng tôi trở lại Bắc Kinh một thời gian ngắn, Mao lại lên đường đi Thiên Tân, Tế Nam, Nam Kinh và Hàng Châu. Mao chỉ thị La Thoại Khanh và Dương Thượng Côn cùng đi với ông ta nhằm mục đích "giáo dục" họ. Trước đây, cả hai đều không được Chủ Tịch ưa chuộng nên nhận được lời mời của Chủ Tịch họ vui mừng hớn hở. Mục đích chuyến đi là để "thanh tra" và viếng thăm các nhà máy, trường đại học, công xã nhân dân. Các lãnh đạo địa phương, quân đội vẫn tiếp tục ca ngợi Mao ngay cả lúc nền kinh tế đang trên đà thoái hóa. Nếu thực phẩm khan hiếm, mọi người đổ lỗi cho cán bộ địa phương chứ Mao thì chẳng có lỗi gì cả. Người ta vẫn nghĩ Mao Chủ Tịch đã đề xướng một điều đúng. Ðặc tính tôn thờ bắt nguồn sâu xa trong truyền thống Trung Hoa: "Hoàng Ðế không bao giơ sai". Mao muốn Dương Thượng Côn và La Thoại Khanh thấy sự ủng hộ của quần chúng dành cho y mãnh liệt như thế nào. 



Ðối với hai họ Dương và La được mời đi chung với Mao là điều họ hãnh diện lắm rồi. Ðiều hối tiếc duy nhất của Dương Thượng Côn là không ghi lại được những lời nói của Mao đã nói trong chuyến tham quan các cơ sở địa phương lần nầy. 



Dương Thượng Côn có lần trình mới Mao cho phép một tốc ký viên tháp tùng Mao để ghi lại những lời Mao nói nhưng Mao từ chối. Sau đó không lâu, một nhóm chuyên viên tư Bộ An Ninh Công Cộng cũng đã bí mật gắn các dụng cụ thu âm trong toa xe lửa của ông ta, trong phòng ngủ và những khu tiếp tân mà Mao hay tổ chức hội họp. Dương Tử Long bắt tôi và các nhân viên trong Nhóm Một thề để giữ bí mật. Việc thu âm Mao hoàn toàn không biết nếu ông ta mà biết được thì hậu quả rất to lớn và dĩ nhiên chúng tôi ai nấy đều im lặng. 



Khi hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng thuộc Ðại Hội Ðảng Thứ Tám tổ chức tại Thượng Hải từ ngày (?) đến ngày 5 tháng 4 năm 1959, Mao vẫn còn tỏ ra lạc quan. Sự trung thành của ông ta đối với Bước Tiến Nhảy Vọt và Công Xã Nhân Dân rõ ràng không thể làm giảm sút được. Có một số vấn đề phát sinh nhưng vẫn có thể giải quyết được. Tổ chức Công Xã cần phải được kiện toàn, việc phân phối lao động giữa các lò đúc và nông nghiệp cần phải đặt ra. Thủ tục trả tiền công trong vòng mỗi công xã phải được tái duyệt xét. Mối sợ hãi nhất của Mao không phải là việc thiếu hụt thực phẩm hay mục đích quá cao, ông ta chỉ sợ năng lực sáng tạo của quần chúng sẽ bị giảm sút bởi Bước Tiến Nhảy Vọt. 



Mao không ở nhà khách chính phủ nhưng ngủ trên xe lửa riêng trong suốt thời gian hội nghị vì y vẫn phải bận rộn với các nàng y tá riêng của ông ta. Mao chẳng e dè gì, hằng đêm, các cô gái trẻ tháp tùng Mao đến câu lạc bộ do Pháp thành lập trước đây, để du hí. Biết Chủ Tịch ham thích cặp đàn bà, cơ quan an ninh Thượng Hải sắp xếp để Mao gặp gỡ những cô đào và nữ ca sĩ nổi tiếng nhất Thượng Hải. Tuy nhiên không bà nào làm Mao thích vì các bà dù nổi tiếng nhưng nhan sắc đã tiều tụy, già nua đi nhiều. Mao chỉ thích các cô còn trẻ đẹp và càng ít kinh nghiệm càng tốt. Sau đó thì cục an ninh Thượng Hải mới biết ra và sắp xếp cho Mao xem những buổi trình diễn của các vũ công trẻ và ngây thơ vô tội hơn nhiều. 



Trong lúc đó, Mao cũng bày tỏ sự bất mãn của y đối với các cấp lãnh đạo đảng. Ông ta đổ thừa họ đã làm sai đường lối của Bước Tiến Nhảy Vọt. Mao nói với tôi "Tại sao lại phải dối chứ, khi có một áp lực từ cấp trên xuống thì lại có sự dối trá từ cấp dưới lên". Theo tôi thì chính Mao đã không muốn được nghe những điều thật. Nếu Mao biết được sự thật theo đúng như quan niệm của ông thì Mao đã ngưng chương trình Bước Tiến Nhảy Vọt từ lâu. Sự thật, theo Mao, không kèm theo những lời chỉ trích nhắm vào ông ta và cũng không đến từ những đối thủ chính trị của ông ta. Sự thật phải đến những người vô tội vạ về chính trị. 



Mao trở về Bắc Kinh sau hội nghị Trung Ương Ðảng để tham dự Hội Nghị Ðại Biểu Nhân Dân, hay là quốc hội trên danh nghĩa. Theo chỉ thị của Trung Ương Ðảng, Hội Nghị Nhân Dân cuối vùng đã chính thức chấp thuận việc từ chức Chủ Tịch Cộng Hòa của Mao và bầu cử Lưu Thiếu Kỳ thay thế. Chu Ðức được bầu vào chức Chủ Tịch Hội Nghị Nhân Dân tức Quốc Hội, Tống Khánh Linh và Ðồng Biêu được bầu làm phó chủ tịch nhà nước. Tại Trung Quốc hiện nay có hai người cùng giữ chức vụ Chủ Tịch. Chúng tôi không còn gọi Lưu Thiếu Kỳ là đồng chí Lưu nhưng gọi là Chủ Tịch Lưu. Họ Lưu đánh giá chức vụ Chủ Tịch rất cao, dần dần mở rộng quyền kiểm soát các vấn đề hằng ngày của cả nước và thường hoạt động không cần có sự tham khảo với Mao. Cuộc đấu tranh của Mao để tái xác nhận quyền lực tối cao đã bắt đầu. 



Sau đại hội Hội Nghị Nhân Dân, chúng tôi ở lại Bắc Kinh một tháng rồi tháp tùng Mao đi miền Nam. Mọi thứ đang thay đổi. Lửa trong những lò đúc sắt thép sau hè đã tắt. Phụ nữ không còn mặc những bộ đồ màu sắc. Ðồng ruộng hoang vu, không mùa màng, gặt cấy. Vũ Hán dưới sự lãnh đạo của người bạn Mao là Vương Nhậm Trọng trở nên tệ hại trầm trọng. Chúng tôi vẫn ở lại trong Nhà Khách dọc theo Ðông Hồ nhưng không còn được đầy đủ tiện nghi như trước. Trước đây nhà khách đầy thuốc lá, trà và mỗi bữa ăn là một bữa tiệc, bây giờ thì hết thịt vì trâu bò thì chết đói và heo thì quá ốm để làm thịt. Kho hàng nào cũng trống trơn, mọi thứ đều được mua sạch. Chỉ cách đây vài tháng họ Dương ca ngợi Hồ Bắc sản xuất từ 10 đến 20 ngàn tấn thóc mỗi mẫu ruộng mà bây giờ thi đang bị đói.

Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 8
Mao Về Thăm Nơi Chôn Nhau Cắt Rốn


Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - tvvn.org




Nhân dịp dừng chân ở Hồ Nam, Mao quyết định về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của mình, làng Thiều Sơn, sau hơn 32 năm xa cách. Ngoài việc về thăm quê, Mao còn có dụng ý khác là để chính mình có cơ hội tìm hiểu sự thật. Mao không tin cán bộ đảng đã báo cáo những con số thật về kết quả của chiến dịch Công Xã Nhân Dân và Bước Tiến Nhảy Vọt do Mao đề xướng. 



Ngày 25 tháng 6, chúng tôi tháp tùng Mao khởi hành từ Trường Sa đi Xương Ðàm, viên bí thư phụ trách an ninh Quận Xương Ðàm là Hoa Quốc Phong ra chào đón Mao và phái đoàn. Ðây là lần đầu tiên tôi gặp con người sẽ kế vị Mao trong mười sáu năm sau. Nhưng họ Hoa chỉ đưa đi một chặng đường rồi trở lại chứ không đi theo chúng tôi về làng Thiều Sơn. 



Làng Thiều Sơn cách Xương Ðàm bốn mươi lăm phút lái xe. Cả ban ngày lẫn ban đêm trời đều oi bức. Mao nghỉ đêm trong nhà khách nằm trên sườn đồi, còn chúng tôi thì ở lại trong một trường học dưới chân đồi. Trời oi bức đến nỗi không tài nào ngủ được. Gần 5 giờ sáng Mao cho gọi tôi để cùng đi bộ. Tôi cùng với Lý Ngân Kiều, Vương Nhậm Trọng, Châu Tiểu Châu và một đám vệ sĩ tháp tùng Mao đi bộ xuống làng. Mao dừng chân trước một ngôi mộ. Ðây là lần đầu tiên và duy nhất tôi thấy Mao Trạch Ðông cúi đầu vái ngôi mộ trong một tư thế thành kính như thế. Tôi cũng ý thức ngay được rằng ngôi mộ đó là nơi yên nghỉ cuối cùng của cha mẹ Mao Trạch Ðông. Một viên cận vệ nhanh trí chạy quanh vườn nhặt một bó hoa dại dâng lên Mao, Mao cầm lấy và kính cẩn đặt lên mộ và vái ba lần nữa. Chúng tôi cũng sắp hàng sau lưng Mao và vái theo như Mao. Mao nói "Trước đây có tấm bia nhưng rồi cũng biến mất theo thời gian". 



Chúng tôi tiếp tục theo chân Mao đi xuống chân đồi theo hướng nhà thờ tộc của Mao. Lần nữa Mao dừng lại, nhìn quanh như đang tìm kiếm một cái gì. Chúng tôi đang đứng trước nền của một ngôi chùa nhỏ mà Mao thường hay nhắc trong những cuộc mạn đàm về chuyện riêng tư của đời y. Nơi nầy mẹ của Mao thường hay đến khấn vái mỗi lần Mao bị bệnh. Bà ta thường thắp hương cầu nguyện cho con trai và lấy nước tro của hương nhang đem về cho Mao uống với hy vọng nhờ đó mà Mao được khỏe mạnh. Ngôi chùa nhỏ nầy bây giờ đã biến mất, bị đập để lấy gạch xây "lò luyện kim" cho công xã. 



Mao bước chầm chậm và không nói một lời. Sự tàn phá ngôi chùa nhỏ nầy đã làm Mao đau lòng. Một lâu sau Mao mới cất tiếng "Thật tội nghiệp, lẽ ra ngôi chùa nên để lại. Không có tiền đi bác sĩ, nông dân ít ra còn có nơi để cầu nguyện và xin nước tro về uống. Chùa giúp cho họ lên tinh thần và có thêm hy vọng. Con người cần những điều kích thích nầy". Nghe Mao nói tôi cười thầm nhưng Mao thì lại nói rất trân trọng. Quay sang tôi Mao nói "Tàn hương giúp cho con người thêm can đảm để chiến đấu với bệnh tật, bác sĩ nghĩ có đúng không ? Ông là bác sĩ, chắc ông nên biết vai trò của tâm lý quan trọng biết bao." 



Chúng tôi vào viếng thăm nhà cũ của Mao. Không ai sống trong đó. Căn nhà được giữ giống như xưa. Trước mặt nhà là một ao nước. Mao chỉ "Đó là nơi tôi hay bơi và cũng là nơi trâu bò uống nước. Cha tôi thật là nghiêm khắc. Ông ta hay đánh đập con cái. Một lần ông ta đuổi tôi chạy quanh bờ ao, chửi bới tôi là thứ con hư, tôi vừa chạy vừa cãi, cha không nên thì con hư cũng phải". Mao kể rằng mẹ của y rất hiền lành và hay giúp đỡ người khác. Bà ta thường "liên minh" với hai con trai để tạo thành một "mặt trận đoàn kết" chống lại chồng. 



Mao tìm dân làng để hỏi thăm về kết quả của Bước Tiến Nhảy Vọt và Công Xã Nhân Dân nhưng chẳng còn người đàn ông nào ở nhà. Mao chẳng cần phải tốn nhiều thời gian để tìm hiểu sự thật. Ngay cả nồi niêu xong chảo đang dùng cũng bị tịch thu để đi "luyện thép" mà chẳng bao giờ được hoàn trả. Gia đình không có một cái nồi để nấu cơm. Mọi người phải ăn uống trong nhà ăn tập thể dơ dáy. Buổi chiều chúng tôi đi tắm trong một hồ dự trữ nước và dân chúng ai cũng phê bình đề án đầy thiếu sót nầy. Hồ được xây thiếu kích thước cần thiết. Mỗi khi trời mưa thì phải xả bớt nước không thì bị lụt. 



Buổi tối Mao tổ chức một buổi chiêu đãi cho bà con trong làng. Ban giám đốc công xã kêu gọi tất cả đàn ông đang làm việc trong lò đúc trở về gặp Mao. Khoảng chừng 50 người cả thảy, tập trung trong nhà khách. Mọi người đều phàn nàn về cái nhà ăn hỗn tạp. Những người già cả thì than phiền ăn uống không kịp bọn trẻ. Những người trẻ thì than phiền không đủ cơm ăn. Tình trạng đánh nhau để giành ăn thường hay xảy ra. Khi Mao hỏi thăm về tình trạng các lò đúc sắt thép thì cũng lại nghe những lời phàn nàn. Không đủ nhiên liệu để đốt và cũng không đủ nguyên liệu để nấu. Muốn đạt chỉ tiêu của thượng cấp cách duy nhất là phải tịch thu hết dụng cụ nấu ăn, cuốc xẻng, ngay cả mấy cái tay cầm cửa của nhân dân trong xóm. Nhưng những sản phẩm sản xuất ra lại không biết để làm gì. Cuối cùng thì dân chúng chẳng còn gì để nấu nướng, ngay cả nấu một nồi nước. 



Mao ngừng hỏi. Không khí trong phòng ăn ngưng lại. Bước Tiến Nhảy Vọt không tiến triển tốt đẹp ở làng Sao San chút nào cả. Mao chỉ thị "Nếu các đồng chí không lo nỗi bữa ăn cho đồng bào trong nhà ăn tập thể thì tốt nhất là giải tán nó", Mao tiếp "Cả cái hồ chứa nước cũng vậy, nếu không biết cách xây hồ dự trữ thì cũng tai hại vô cùng, không nhất thiết mỗi làng phải xây một cái". Về tình trạng các lò đúc sắt, Mao chỉ thị "Nếu các đồng chí không thể tạo ra sắt tốt thì để mấy cái lò đúc đó làm gì. " 



Với những chỉ thị trên của Mao, có lẽ quê hương của Mao là nơi đầu tiên hủy bỏ chế độ ăn uống tập thể, ngưng xây hồ dự trữ nước và phá hủy các lò đúc sắt. Chỉ thị của Mao chưa bao giờ trở thành văn bản nhưng truyền rộng bằng miệng. Các địa phương khác cũng bắt đầu hủy bỏ nhà ăn và lò đúc. Dù sao tình trạng tại Thiều Sơn vẫn còn tốt hơn nhiều so với những nơi khác. Nạn đói đang hoành hành cả nước Trung Hoa. Trong số các bị đói nặng thì tỉnh An Huy là chịu đựng nặng nhất. Nhớ lại hồi tháng 8 năm 1958, tôi tháp tùng Mao đi Hà Nam để tận mắt chứng kiến Công Xã Nhân Dân thì chính tỉnh đó bây giờ đang chìm trong nạn đói. Những nông dân trồng lúa nhưng không có gạo mà ăn. Hàng ngàn người phải bỏ làng mạc đi kiếm sống như một phản ứng truyền thống mỗi khi gặp nạn đói xảy ra.

Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 9
Nạn Đói Tại Trung Quốc


Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - tvvn.org




Mao biết nền kinh tế đang suy thoái trầm trọng. Thực tế của Thiều Sơn đã đánh thức Mao. Tuy nhiên không nghi ngờ gì trong đầu ông rằng về căn bản chính sách Bước Tiến Nhảy Vọt vẫn đúng, chỉ đơn giản nó đang cần điều chỉnh. Vấn đề là mang cán bộ trở về với thực tế mà không làm giảm nhiệt tình. Ðể đạt được mụch đích nầy, Mao quyết định tổ chức một hội nghị tuyên truyền rộng rãi để thảo luận vấn đề. Hội nghị lúc đầu dự tính tổ chức ở Vũ Hán. Chúng tôi đến Vũ Hán vào 28 tháng sáu. Thời tiết nóng và oi bức. Vương Nhậm Trọng nghĩ phiên họp nên tổ chức ở một nơi thời tiết dễ chịu hơn. Thị trưởng Thượng Hải Kha Khánh Thi đề nghị Lư Sơn, nơi trước đây Tưởng Giới Thạch đã từng tổ chức đại hội Quốc Dân Ðảng. Mao đồng ý. 



Tôi chưa bao giờ chứng kiến tình trạng đói thê thảm như vậy. Trên đường đi Lư Sơn bằng tàu thủy chúng tôi còn nghe thêm nhiều tin tức khủng khiếp liên quan đến nạn đói. Nạn đói xảy ra ngay trong cả cái vựa lúa của Trung Quốc là Tứ Xuyên. Trên tàu ngoài Mao và bộ tham mưu còn có nhiều lãnh đạo tỉnh. Ðiền Gia Anh cũng có mặt trên tàu. Tôi đứng trên mạn tàu chuyện trò với Lý Khắc và Vương Kính Tiên, người chịu trách nhiệm anh ninh cá nhân cho Mao sau khi Uông Ðông Hưng bị đày đi xa. Ðiền Gia Anh đang mô tả tình trạng đói kém tại tỉnh Hứa. Họ Ðiền giận dữ không phải chỉ vì nạn đói đang hoành hành mà thôi nhưng còn một căn bệnh tai hại khác là sự lừa dối của các cấp đảng. Theo Ðiền Gia Anh thì những ai nói dối thì được ca ngợi trong lúc nói thật thì lại bị phê bình. 



Cuộc đối thoại càng về sau càng tập trung vào chính bản thân Mao. Mao Trạch Ðông là một triết gia lớn, một người lính giỏi và một nhà chính trị đại tài nhưng lại là một nhà kinh tế rất là tồi. Ngoài ra, Vương Kính Tiên còn cho chúng tôi biết thêm về đời sống tình dục riêng tư của Mao, tin nào cũng giật gân. Tôi và Lý Khắc lắng nghe mà không dám nói gì vì lo sợ cho an ninh. 



Kha Khánh Thi, Vương Nhậm Trọng và và Lý Dinh Toàn sau đó cũng tham gia cuộc thảo luận của chúng tôi và thắc mắc là chúng tôi đang nói gì. Ðiền Gia Anh nói với những người mới nhập bọn "Chúng tôi đang thảo luận về nạn đói đang hoành hành". Lý Dinh Toàn trả lời "Trung Hoa là quốc gia lớn, có triều đại nào mà không đói đâu ?". 



Ngay cả trước khi đến Lư Sơn sự chia rẽ trong hàng ngũ đảng đã diễn ra. Những cán bộ như Vương Nhậm Trọng, Ly Dinh Toàn, Kha Khánh Thi đã hy sinh sự thật cho chức tước của cá nhân họ. Họ cung cấp cho trung ương những con số thống kê tưởng tượng chỉ vì họ biết nói những gì mà trung ương thích nghe. Ðám cán bộ trung ương như La Thoại Khanh và Dương Thượng Côn, trước đây đã từng bị Mao phê bình, đã không dám làm ông ta buồn lòng một lần nữa. Họ ủng hộ Mao không phải vì niềm tin mà từ sự ích kỷ cá nhân. Họ gạt qua một bên tình trạng thảm hại của nền kinh tế, chỉ biết nhắm mắt ủng hộ Mao. 



Tàu cập bến Diêu Giang, tỉnh Giang Tây vào ngày 1 tháng 7 năm 1959. Uông Ðông Hưng lúc bây giờ vẫn còn ở Giang Tây để được "cải tạo" và đang là Phó Chủ Tịch Tỉnh Giang Tây, bước lên tàu đón mừng Mao. Họ Uông báo cáo với Mao rằng y đã gần gũi với quần chúng, và thật sự đã được giáo dục. Mao vui mừng và nói "Con người không thể lúc nào cũng đứng lên cao, thế thì từ nay cứ ai làm việc ở cấp trung ương cũng nên thay phiên nhau để làm việc ở các cấp hơn". 



Xa lộ từ Diêu Giang đến Lư Sơn được tráng nhựa nên chúng tôi chỉ cần hơn một giờ lái xe là đến khu nhà ở. Mao nghỉ lại trong biệt thự hai tầng cũ của Tưởng Giới Thạch, còn bọn tôi thì ở trong khu nhà bên cạnh. Nhà xây trên một vùng đất cao đến nỗi nếu tôi mở cửa sổ mây có thể bay vào và bay ra bằng cửa khác. Mao khai mạc phiên họp của Bộ Chính Trị vào ngày 2 tháng 7. Mao gọi là phiên họp "thần tiên", ám chỉ là sống trên mây. Thần tiên cũng có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Mao không chủ trương một chương trình nghị sự rõ ràng, ai muốn phát biểu gì cứ phát biểu. Mao đề nghị 19 chủ đề để thảo luận và đại biểu có quyền thảo luận một cách tự do. Khi hội nghị bắt đầu Mao đã nghĩ thế nào cũng có vấn đề với chính sách Bước Tiến Nhảy Vọt, và ông ta tin rằng sẽ có biện pháp để khắc phục. Trong diễn văn khai mạc ngắn, Mao ca ngợi những thành tựu của Bước Tiến Nhảy Vọt. 



Sự tin tưởng của mao trong Bước Tiến Nhảy Vọt dường như không thể nào lay chuyển và tôi không biết là Mao có thật sự biết chuyện gì đang xảy ra hay không. Chuyến viếng thăm quê hương Sao Sơn đã giúp Mao có một nhận thức rõ ràng rằng có một vấn đề với chính sách. Ông ta cũng chắc chắn biết một điều gì đó đang sai, biết tình trạng đói khát đang diễn ra, tình trạng khan hiếm lương thực thực phẩm. Mao cũng biết rằng nhiều nơi không có gạo mà ăn. Tuy nhiên trong diễn văn khai mạc, giải pháp đơn giản của Mao cho tất cả vấn đề trên là làm cho quần chúng phải làm việc năng nổ hơn. Tôi nhớ là Mao đã nói nguyên văn như sau "Nếu mức sản xuất của chúng ta cao tại sao thực phẩm lại quá căng, tại sao các đồng chí nữ không mua nỗi cái kẹp tóc ? Tại sao nhân dân không mua nỗi xà phòng hay hộp quẹt ? À, nếu chúng ta không thể giải thích được những câu hỏi nêu trên thì tốt nhất là đừng giải thích gì cả, thay vào đó chúng ta nên quyết tâm cao hơn. Chúng ta sẽ có nhiều thứ hơn trong năm tới. Nói tóm lại tình trạng thật là tuyệt, dù đang có vấn đề nhưng tương lai sẽ sáng sủa". Sau diễn văn khai mạc, Mao phân chia đại biểu dựa trên yếu tố địa lý, thành nhiều nhóm để thảo luận. 



Các nhóm địa phương thảo luận trong suốt năm ngày không có một nghị trình nhất định. Mao không tham gia trực tiếp với nhóm nào nhưng đọc các bản báo cáo của từng nhóm. Các thảo luận viên bắt đầu phàn nàn về con số báo cáo ma cũng như tình trạng đói trầm trọng đang diễn ra ở nông thôn. Thời gian họp càng kéo dài càng có thêm nhưng người can đảm nêu lên sự thật. 



Vào ngày 10 tháng 7, Mao triệu tập một phiên họp của các đại biểu địa phương. Lần nữa Mao nhấn mạnh đến nội dung của chính sách của Bước Tiến Nhảy Vọt là đúng. Nếu có thất bại cũng chỉ là những thất bại nhỏ. Mao cảnh giác chống lại tư tưởng duy tâm cho rằng Trung Quốc đang tiến gần tới chủ nghĩa Cộng Sản. Theo Mao, trong giai đoạn phát triển xã hội hiện nay, Công Xã Nhân Dân chỉ là hình thức của hợp tác xã nông nghiệp. Nói xong Mao đi ra ngay. Diễn văn của ông ta thật sự là lời cảnh cáo cho những ai còn tiếp tục phê bình chính sách Bước Tiến Nhảy Vọt. Cả hội nghị im phăng phắt. 



Duy chỉ có Thống Chế Bành Ðức Hoài vẫn còn tiếp tục phê bình trong một lá thư viết tay gởi Mao vào ngày 14 tháng 7. Tôi không được đọc nội dung lá thư nhưng biết là Mao không vui chút nào. Lá thư làm Mao mất ngủ sau khi đọc. 



Thời gian sau tôi đọc lá thư Thống Chế Bành Ðức Hoài gửi Mao. Nội dung khen có chê có. Trong phần thứ nhất của lá thư, Bành Thống Chế ca ngợi những thành tựu của Bước Tiến Nhảy Vọt trong năm 1958. Nhắc đến những gia tăng lớn lao trong năng suất nông nghiệp và công nghiệp. Ông ta cũng nhắc đến Công Xã Nhân Dân, chỉ ra những trở ngại phần lớn đã được sửa đổi. Những nhà luyện kim sau vườn cũng đã tạo ra những thành công và thất bại. Theo Bành Ðức Hoài, sự thành công thể hiện ở chỗ nhiều người đã học được kỹ thuật mới, cán bộ cải thiện được cách thức tổ chức. Tuy nhiên những sức người và sức của đã bị lãng phí, Bành Ðức Hoài kết luận thất bại nhiều hơn là thành công. 



Trong phần hai của lá thư, Bành Ðức Hoài nhấn mạnh đến nhu cầu học hỏi kinh nghiệm của Bước Tiến Nhảy Vọt. Ông biện dẫn rằng việc Nhảy Vọt đã nuôi dưỡng tinh thần tả khuynh. Bành Ðức Hoài kết luận bằng lời kêu gọi đảng nên biết phân biệt cái đúng cái sai. Ông ta không muốn đổ lỗi cho bất cứ ai trong đảng vì làm như vậy sẽ tổn thương cho tinh thần đoàn kết của Ðảng. Bành Ðức Hoài đã viết một lá thư chân thành và cân đối. Ông ta là một con người đơn giản, thành thật. Ông ta còn là một người can đản lạ thường, nói lên sự thật trong lúc những người khác đang lừa dối. Ðặt biệt nhất là, không giống những lãnh tụ khác trong đảng, Bành Ðức Hoài không sợ Mao. 



Ngày 16 tháng 7, Mao triệu tập phiên họp Ban Thường Trực Bộ Chính Trị tại biệt thự của ông ta đang ở. Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Ðức và Trần Vân có mặt tại chỗ. Ðặng Tiểu Bình đang nằm trong bệnh viện Bắc Kinh để săn sóc cho cái chân gãy. Trong thời gian nằm bệnh viện Ðặng gian díu với cô y tá trẻ săn sóc cho y. (Giám Ðốc Cục Sức Khỏe Trung Ương là kể lại với tôi là cô y tá nầy có thai với Ðặng Tiểu Bình nhưng bị thuyên chuyển đi Thượng Hải và buộc phải phá thai). Lâm Bưu cũng không có mặt, ông ta cũng bị bệnh. 



Trong phiên họp nầy, Mao tuyên bố rằng các phần tử hữu khuynh ngoài đảng đã phê bình chính sách Bước Tiến Nhảy Vọt và nay một số thành phần trong đảng cũng đang phê bình. Bành Ðức Hoài là một trong những người như thế. Mao nói là ông ta sẽ phân phối lá thư đến các đại biểu đang tham dự hội nghị Lư Sơn để họ đánh giá nội dung của nó. Mao nói nếu đảng chia thành hai, ông ta sẽ lập một đảng khác và ngay cả nếu quân đội chia hai, ông ta tổ chức quân đội khác. Ủy Ban Thường Trực bắt đầu thảo luận nội dung của lá thư Bành Ðức Hoài đã gởi cho Mao Sau khi Ban Thường Trực thảo luận, lá thư chuyển đến các nhóm đại biểu cấp địa phương để thảo luận. Một số rất ít đã can đảm ủng hộ Bành Ðức Hoài. Hoàng Khắc Thành, Tổng Tham Mưu Trưởng và là bạn thân của Bành Ðức Hoài bày tỏ sự ủng hộ cho lá thư. Châu Tiểu Châu, Bí Thư Ðảng Ủy Tỉnh Hồ Nam cũng ủng hộ cho lá thư. Cả hai ca ngợi ý định của lá thư. Ngay cả Lý Nhuệ, Bí Thư chính trị của Mao cũng ủng hộ lá thư. Ông ta cho rằng lá thư của Bành Ðức Hoài làm cho những vấn đề của Bước Tiến Nhảy Vọt được tập trung. 



Vào ngày 21 tháng 7, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Trương Thính Thiên đã làm mọi người ngạc nhiên khi ông ta tấn công vào vai trò lãnh đạo của Mao và Bước Tiến Nhảy Vọt. Kể từ 1930, Dương đã là một thành viên trong nhóm Vương Minh, chống đối sự lãnh đạo của Mao. Sau đó thì chuyển sang ủng hộ Mao. Ông ta phục vụ như Ðại Sứ tại Liên Xô một thời gian nhưng không đảm nhiệm chức vụ gì quan trọng sau 1949. Họ Trương tranh luận "Chúng ta cần phải tạo ra một không khí sống động, tươi mát trong đó mọi người có quyền nói ra những điều họ nghĩ. Lá thư của Bành Ðức Hoài nhằm mục đích đánh giá và tổng kết kinh nghiệm của chúng ta. Thống Chế có ý định tốt". 



Những người khác trong nhóm nhỏ của Trương Thính Thiên, nhiều người như Thị Trưởng Kha Khánh Thi, lên tiếng phản đối Trương Thinh Thiên mỗi khi ông ta công kích thẳng vào Mao. Họ Trương đáp lại bằng việc nói thẳng ra là thà chết mà được nói lên sự thật hơn là sống trong khốn khổ. 



Ngày 23 tháng 7, Mao triệu tập một phiên Bộ Chính Trị mở rộng. Lần nữa Mao nói rằng cả trong lẫn ngoài đảng đều tập trung chống lại chúng ta. Nhiều kẻ ngoài đảng là hữu khuynh và bây giờ nhiều kẻ trong đảng cũng là hữu khuynh. Phiên họp trở nên căng thẳng. 



Bành Ðức Hoài ngồi trong hàng ghế cuối cùng của hội trường. Ông ta đang giận giữ. Ngay cả trước khi Mao nói, họ Bành đã đương đầu với Mao, đòi hỏi Mao cho biết lý do tại sao Mao đã đem một lá thư riêng ra phổ biến cho mọi người mà không hỏi ý kiến y. Mao đổ thừa là họ Ðặng không dặn đừng phổ biến trong thư. Bành giận đến nỗi ông ta không thể tiếp tục cãi tay đôi với Mao. Ngay sau khi Mao chấm dứt diễn văn, Bành Ðức Hoài bỏ đi ra cửa mặc dù Mao đã khuyên Bành ở lại để tiếp tục tranh cãi. Việc Mao phê bình Bành Ðức Hoài là hữu khuynh đã được nhiều người ủng hộ ông ta lập lại. Mao sau đó triệu tập Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương. Ban Chấp Hành Trung Ương là cơ cấu chính trị cao nhất tại Trung Quốc. Mọi hành động chính thức chống lại Bành Ðức Hoài đều phải có sự chấp thuận của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng. 



Ngày hôm sau thì Giang Thanh đến Lư Sơn. Trước đó bà ta đã gọi cho Mao và tỏ ý muốn đến. Mao cũng thay đổi ý kiến và muốn Giang Thanh có mặt ở Lư Sơn. Giang Thanh đến Lư Sơn với một nhiệm vụ chính trị. Thái độ của bà ta bỗng dưng thay đổi. Căn bệnh tự nhiên như hết hẳn. Vì Mao còn đang ngủ nên Giang Thanh đến gặp Lâm Bưu, người cũng vừa mới tới. Sau hai giờ thảo luận với Lâm Bưu, Giang Thanh đi gặp Chu Ân Lai. Chưa bao giờ Giang Thanh hoạt động tích cực trong chính trị như thế. Ngày Mao cưới Giang Thanh ở Diên An, Bộ Chính Trị đã đặt ra một điều kiện dứt khoát là Giang Thanh không được dính líu vào các hoạt động chính trị. Khi Giang Thanh đến Lư Sơn để gặp các lãnh đạo đảng cũng có nghĩa là Mao đang phải đối phó với vấn đề hết sức khó khăn và quan trọng. 



Khi Hội Nghị Trung Ương Ðảng khai mạc, Mao lần nữa tấn công "Khi mới đến Lư Sơn, chúng ta tổ chức hội nghị theo kiểu "thần tiên", chuyện trò với nhau không cần theo một nghị trình nào cả. Sau đó tôi ý thức rằng nhiều người cảm thấy họ không có cơ hội để phát biểu tự do. Họ không thích thái độ lỏng lẻo của chúng ta. Họ muốn một tình hình khẩn trương. Họ muốn tấn công đường lối chung. Bây giờ dấu hiệu chia rẻ đang bắt đầu xuất hiện. Trong chín tháng qua, chúng ta đã chống lại bọn tả khuynh. Hôm nay thì vấn đề đã đổi khác, chúng ta phải đối đầu với hữu khuynh. Bọn hữu khuynh đang tấn công vào đảng, tấn công vào vai trò lãnh đạo của đảng, vào sự nghiệp của nhân dân, và vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vĩ đại và cơ động". 



Với diễn văn đó Mao đã đặt Bành Ðức Hoài vào vị trí là kẻ thù của đảng, không một câu nói, hay ý kiến nào có thể cứu được Thống Chế họ Bành. Trong suốt tuần lễ theo sau, hội nghị chia thành từng nhóm nhỏ để hội thảo và phê bình Bành Ðức Hoài và phe của ông ta. Trong thực tế chẳng có điều gì trong lá thơ của Bành Ðức Hoài là chống đảng và chống Mao. Nhưng dưới sự điều khiển của Mao lá thư trở thành bằng chứng của một âm mưu. Bành Ðức Hoài và những người ủng hộ ông bị gọi lên trước hội nghị để trả lời câu hỏi làm thế nào họ đã "cùng nhau âm mưu cả trước và trong suốt thời gian hội nghị". 



Tôi không phải lo lắng gì đến những nguy hiểm chính trị có thể xảy ra cho bản thân, mặc dầu người bạn thân của tôi là Giang Trạch Dân đang bị phê bình. Cá nhân tôi có sự tin cẩn ở Mao, tôi chưa hề nói một lời nào chống lại ông ta. Tôi quá lưu ý và cũng bởi lẽ tôi quá thật thà về chính trị. Dù sao quang cảnh các cấp đảng viên tố nhau ở Lư Sơn thật đau đớn để nhìn. Tôi bị bệnh đau dạ dày nhưng không dám xin phép Mao để được đi chữa trị vì sợ ông ta nghi ngờ tôi ủng hộ Bành Ðức Hoài. Tôi cố che dấu và chịu đựng nhưng cuối cùng thì không còn chịu đựng nỗi. Mãi đến khi Hồ Giao Mưu đến thăm, trông thấy tôi đang bị cảm và ốm đi nhiều , ông ta khuyên tôi phải đi chữa trị ngay. 



Hồ đích thân đi gặp Mao và Mao đồng ý rằng tôi phải tức khắc trở về Bắc Kinh để chữa bịnh. Tôi đến chào tạm biệt Giang Thanh. Giang Thanh cũng ngạc nhiên khi trông thấy vóc dáng tiều tụy của tôi. Cả Mao lẫn Giang Thanh đều quá bận rộn với các vấn đề chính trị nên không ai biết tôi bịnh. Tôi yêu cầu Giang Thanh chuyển lời tạm biệt Mao nhưng Giang Thanh khuyên tôi nên đích thân đi chào Mao. 



Mao đang nằm đọc cuốn sử nhà Minh trong lúc tôi bước vào. Mao khuyên tôi nên đến bịnh viện Bắc Kinh vì thời bấy giờ có lẽ không có một bịnh viện nào tốt hơn. Ðồng thời Mao cũng cảnh cáo tôi không được tiết lộ điều gì đang xảy ra ở Lư Sơn. 



Trên đường đến phi trường để lại sau lưng những đấu tranh, tố cáo. Giấc mơ về Trung Hoa và về Ðảng Cộng Sản đã tan vỡ. Hy vọng duy nhất của tôi lúc bây giờ là cứu chính bản thân mình. Càng xa Lư Sơn bao nhiêu tôi càng cảm thấy dạ dày tôi ít đau hơn một chút. Tôi rơi vào giấc ngủ và chỉ chợt choàng tỉnh giấc khi máy bay hạ cánh xuống phi trường Bắc kinh mang theo người khách duy nhất là tôi. 



Những thay đổi chính trị quan trọng đã diễn ra trong suốt bốn tháng tôi nằm trong bịnh viện. Bành Ðức Hoài đà bị hạ bệ. Ông ta bị tố cáo là phần tử hữu khuynh trong đảng, bị cách chức Bộ Trưởng Quốc Phòng. Tướng Hoàng Khắc Thành Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội cũng bị cách chức. Lâm Bưu được thăng chức Bộ Trưởng Quốc Phòng thay thế họ Bành. Nhiều người ngạc nhiên tại sao Mao lại đề cử Lâm Bưu, một con người bệnh hoạn, vào một chức vụ quan trọng như thế. 



Hành động đầu tiên của Lâm Bưu là tấn công người tiền nhiệm của mình như là kẻ hữu khuynh. Tố Bành Ðức Hoài xong Lâm Bưu quay sang tố Chu Ðức. Lâm hỏi lớn "Tổng tư lịnh quân đội như Chu Ðức thuộc loại tổng tư lệnh nào vậy ? Y chưa bao giờ đánh một trận đánh lớn, chưa bao giờ thắng một chiến thắng lớn". Sỡ dĩ Lâm Bưu lớn tiếng phê bình Chu Ðức là nhờ có Mao đã bật đèn xanh. Mao đang quay sang chống người bạn chiến đấu ngày xưa của ông ta.

Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 10
Tình Trạng Tham Ô, Dâm Dật Trong Bộ Tham Mưu Của Mao


Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - tvvn.org




Hai ngày trước khi tôi xuất viện, Uông Ðông Hưng gọi điện thoại và dặn tôi đến trình diện Mao tại Hàng Châu. Ngày 22 tháng 12 năm 1959, tôi cùng với Lý Ngân Kiều đáp máy bay đi Hán Châu giữa cơn bão tuyết lớn. Bão lớn đến nỗi máy bay phải hạ cánh xuống Nam Kinh. Chúng tôi ngủ đêm ở đó, sáng hôm sau sở an ninh Tỉnh Giang Tô đưa chúng tôi đi Hàn Châu bằng xe hơi. Ðến nơi thì đã ba giờ chiều. Mao đang ngủ trưa, tôi đợi đến tối mới đến báo cáo Mao. 



Mao đang bị cảm nặng, ho liên tục. Chào tôi khi tôi bước vào "Sao sức khỏe Bác Sĩ thế nào ?". Tôi đáp "Tôi đã bình phục, nhưng Chủ Tịch hình như không được khỏe." Tôi khám Mao tổng quát. Mọi cơ quan đều hoạt động bình thường. Mao muốn chóng khỏi bịnh vì một phiên họp khác của đảng sắp bắt đầu. Sau khi dùng vài viên thuốc cảm và thuốc chống nhiễm trùng, hôm sau thì Mao khỏe đi nhiều. 



Sinh nhật thứ 66 của Mao gần đến. Mặc dù viên bí thư thứ nhất của đảng bộ Tỉnh Triết Giang là Giang Hoa đến khẩn khoản mời Mao tham dự buổi tiệc mừng sinh nhật Mao nhưng Mao không đi. Mao ngõ ý là ông ta không còn thích tổ chức sinh nhật nữa, và cần thêm thời gian để phục hồi sau cơn bệnh. Thay vì đó, Mao sai chúng tôi đi thế và báo cáo lại cho ông ta biết về thức ăn. Diệp Tử Long thì trái lại đã chuẩn bị sẵn sàng để nhậu nhẹt, y còn cho tôi biết chuyến nầy y nhất định phải làm cho Vương Phương, Giám Ðốc Công An Tỉnh Triết Giang say gục. 



Ngày hôm sau, 26 tháng 12 là ngày sinh nhật Mao Trạch Ðông. Chúng tôi, toàn bộ bộ tham mưu của Mao cùng đến chúc mừng ông ta. Mao đã hoàn toàn lành bệnh nên tỏ ra vui vẻ hơn ngày thường. Ông ta ngỏ lời cám ơn tôi, sau đó thì cùng với chúng tôi chụp hình kỷ niệm. 



Ðêm đến là buổi tiệc mừng sinh nhật Mao được tổ chức một cách trọng thể. Toàn ban lãnh đạo đảng bộ địa phương cùng với bộ tham mưu riêng của Mao được dịp ăn uống no say. Chẳng còn ai nhớ đến lời cảnh cáo không nên xài xa xí của Mao. Thức ăn trong buổi tiệc có thể nói là ngon nhất nước. Ăn được chừng nửa bữa, Vương Kính Tiên quay lại nói với tôi "Thật là nhục nhã cho chúng ta khi được ăn uống no say trong lúc bao nhiêu người khác đang chết đói". Tôi đồng ý. 



Phía bên ngoài bức tường luôn luôn được bảo vệ của Nhóm Một ( ám chỉ cho bộ tham mưu riêng của Mao ) đầy đủ đặc quyền đặc lợi, bên ngoài tầng lớp lãnh đạo của đảng, nông dân Trung Quốc đang chết đói. Con số người chết đã lên đến nhiều triệu. Trước khi nạn đói chấm dứt, ít nhất cả chục triệu người đã chết. Ngồi giữa bàn tiệc nhìn các cấp lãnh đạo đảng say sưa tôi cảm thấy khổ tâm vô cùng. 



Nhưng tôi không có một chọn lựa nào khác hơn được. Nếu tôi từ chối tham gia, thì nguy hiểm chính trị có thể xảy ra cho bản thân tôi như Lý Khắc thường nói "Những kẻ chiến đấu đơn độc đều bị tiêu diệt ngay". Ðiều duy nhất có thể làm cho tôi bớt hổ thẹn với lương tâm là từ chức nhưng tôi không được phép làm như vậy dù đã thử nhiều lần. Cuộc sống trong vòng bộ tham mưu của Mao Trạch Ðông giống như một thiên đường, không luật pháp, không hạn chế, chỉ dưới quyền một người duy nhất là Mao Trạch Ðông. 



Sự thối nát trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày càng gia tăng theo mức độ của cơn khủng hoảng thực phẩm. Ðầu tháng giêng năm 1960, nhiều ngày sau sinh nhật Mao, chúng tôi rời Hàng Châu đi Thượng Hải để tham dự phiên họp mở rộng của Bộ Chính Trị Trung Ương Ðảng sẽ tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng. Mao ngủ lại trên xe lửa của ông ta, trong lúc các ủy viên Bộ Chính Trị khác tá túc trong khách sạn Cẩm Giang, một khách sạn của Pháp để lại. Phiên họp được tổ chức trong khách sạn và những tài liệu tưởng tượng lại được lần lượt trình bày trước một bộ chính trị đang càng ngày càng khuynh tả. Mọi mục tiêu sản xuất đều tăng vọt, sản xuất sắt thép tăng 18 triệu tấn. Các đề án thủy lợi đều được mở rộng, các nông trường chăn nuôi ngày càng được mở rộng. 



Ban ngày thì các đại biểu đề ra những kế hoạch kinh tế không thể nào thực hiện được, ban đêm thì thi nhau tận hưởng các lạc thú mà một người dân thường không thể nào có được và thưởng thức những buổi trình diễn ca múa do các đoàn văn công trung ương và địa phương phục vụ. 



Kể từ sau khi tôi xuất viện, Mao đã thay đổi nhiều, ông ta chẳng còn cố che dấu ham muốn tình dục của ông ta nữa. Mao hiện nay có một thư ký mới làm việc trong Cục Văn Thư Mật. Nàng là một cô trẻ măng, có làn da trắng mịn, đôi mắt đen lánh nằm dưới đôi lông mày cong. Cô ta thu phục cảm tình của Mao khi cô ta kể lại câu chuyện cô đã binh vực Mao trong lúc tranh luận với bạn bè liên quan đến vấn đề công xã hóa hôn nhân và tài sản. Thậm chí cuộc tranh luận đã dẫn đến cả việc xử dụng tay chân và nàng ta bị xây sát trong cuộc ấu đã nầy cũng chỉ vì binh vực cho lãnh tụ Mao Trạch Ðông của nàng. 



Sau đó, người đẹp nầy thường ở lại với Mao, và quan hệ của họ ngày càng trở nên lộ liễu trước công chúng. Nàng ở lại Thượng Hải với Mao, tháp tùng y cả ban ngày lẫn ban đêm, nhảy nhót với Mao đến 2 giờ sáng. Mao chỉ trở lại xe lửa riêng của ông ta khi không còn sức nhảy nữa. 



Cô gái nầy cũng là cô gái đầu tiên mà Mao đối xử gần như công khai, không che dấu ngay cả với Giang Thanh. Người đẹp hãnh diện về quan hệ gần gũi và thân mật với Mao đến nỗi coi bà Chủ Tịch Ðảng phu nhân như một người bạn. Tôi có cảm tưởng rằng Giang Thanh cũng biết chuyện đó là chuyện không thể nào tránh khỏi nên cũng đành chịu đựng mà thôi. 



Việc Lý Ngân Kiều chịu trách nhiệm cho các vấn đề cá nhân của Mao cũng không làm cho Nhóm Một trong sạch chút nào vì chính bản thân y cũng dan díu tình ái lăng nhăng với nhân viên của y. Mao cũng biết việc nầy và có lần than với tôi hai nhân viên của ông ta dính với nhau như keo, và ông có cảm tưởng rằng họ làm việc cho nhau nhiều hơn là làm việc cho ông ta. Thậm chí trong lúc Mao đang họp, Lý Ngân Kiều cùng người yêu bỏ xe lửa lén lên Khách Sạn Cẩm Giang du hí, khi Thị Trưởng Thượng Hải Hà Khánh Thi đi đón Mao thì chẳng thấy xếp cận vệ trưởng của Mao ở đâu, chuyện nầy làm Mao nổi giận mắng Lý Ngân Kiều "Có phải mầy ăn ở với đàn bà cả ngày lẫn đêm phải không, mầy có biết mầy là ai không ?." Câu chuyện càng tệ hại hơn khi, sau đó, người yêu của Lý Ngân Kiều tìm tới tôi và thú nhận rằng nàng đã có thai. Cô ta van xin tôi giúp nàng phá thai. Tôi do dự. Hai ngày sau Lý Ngân Kiều tìm đến và van nài tôi giúp. Cả Diệp Tử Long cũng đồng ý. Tôi cuối cùng đành sắp xếp để bịnh viện Quảng Châu giúp cô ta phá thai. Dù sao cũng không qua mắt được Giang Thanh và bà ta đã đùng đùng nỗi giận. Thế nhưng cả hai vẫn tiếp tục ngoại tình. 



Diệp Tử Long cũng chẳng thấy hạnh phúc cho cá nhân hắn chút nào. Họ Diệp bị Mao phê bình nhiều lần, không đuổi y ra khỏi Nhóm Một nhưng cũng không giao cho y trách nhiệm gì cụ thể. Diệp Tử Long bắt đầu phao những tin đồn về đời sống trụy lạc của Mao Trạch Ðông. Mặc dù chuyện nầy chẳng có gì lạ trong đám lãnh đạo Ðảng nhưng nếu phát ra từ chính miệng Diệp Tử Long thì thật là nguy hiểm. Mao chẳng hề biết những gì Diệp Tử Long nói và tôi không biết Mao sẽ xử tên họ Diệp nầy ra sao nếu Mao biết được. 



Ðời sống dâm dật của Mao chẳng làm ai trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Ðảng ngạc nhiên. Bộ Tham Mưu của Mao, cả nam lẫn nữ, đều thuộc thành phần trẻ đẹp. Trai thì rất đẹp trai còn gái cũng rất đẹp gái. Tiêu chuẩn dành cho Mao và các lãnh đạo cao cấp khác xa với các lãnh đạo cấp thấp hơn. Mao không tuân theo mệnh lệnh của bất cứ ai nhưng Bộ Tham Mưu của Mao ngược lại phải dựa theo những nguyên tắc nghiêm khắc. Giải pháp để ổn định tình trạng rối rắm của bộ tham mưu là triệu hồi Uông Ðông Hưng. 



Uông Ðông Hưng trở lại Trung Nam Hải vào tháng 10 năm 1960. Sau một thời gian lưu đày dài, quan điểm chính trị của y được gọt dũa và trở nên bén nhạy hơn. Họ Uông đã học được những luật sống còn mới, đó là tuyệt đối tuân theo lời Mao. Không bao giờ nói không, nếu Mao nói một là một, nói hai thì là hai. Uông Ðông Hưng không muốn bị lưu đày một lần nữa. 



Chấp hành nghiêm chỉnh mọi chỉ thị của Giang Thanh cũng là một sai lầm nên tránh. Trước khi bị lưu đày đến Giang Tây, họ Uông coi mệnh lệnh phát ra từ Giang Thanh cũng giống như từ Mao. Như Mao đã có lần nói "Nếu anh nghe lời Giang Thanh, rồi anh làm việc cho bà ta chứ không phải cho tôi". 



Nhiệm vụ đầu tiên của Uông Ðông Hưng là cũng cố lại Nhóm Một bằng cách loại bỏ những kẻ cựu thù và tuyển dụng những người chỉ biết trung thành đến ông ta. Tình trạng tham ô, hủ hóa trong vòng Nhóm Một cũng là một cái cớ để họ Uông thanh lọc lại hàng ngũ. Mục tiêu hàng đầu của Uông Ðông Hưng sau khi trở về đơn vị cũ là tìm cách loại bỏ Diệp Tử Long và Lý Ngân Kiều. 



Mao cũng chẳng ưa gì hai tên Diệp và Lý nhưng cũng không phải dễ loại bỏ họ vì cả hai đã dính líu quá sâu vào đời tư của Mao. Do đó thay vì loại bỏ họ công khai, Mao tìm cách loại trừ họ từ phía sau. Uông Ðông Hưng không thích loại bỏ một cách mờ ám, trái lại y muốn hai tên Diệp và Lý ra đi một cách công bằng. Trong những năm bị đày xuống vùng đồng ruộng Giang Tây, họ Uông đã chịu nhiều khó khăn, gian khổ và chính mình đã từng gậm nhấm bao nhiêu cay đắng, những đặc quyền của Nhóm Một là một điều quá đáng. Nạn đói, cuối cùng đã lan tràn đến Trung Nam Hải. Bức tường châu ngọc, ngày thường đã ngăn cách những dân cư trong giới thượng lưu Trung Nam Hải và thực tế phũ phàng của đất nước đã lộ liễu. Khẩu phần của chúng tôi chỉ còn khoảng còn mười ký gạo mỗi tháng. Dầu ăn và trứng cũng đã chẳng còn thấy đâu nữa. Chúng tôi được phép mua rau cải ngoài chợ nhưng có ai bán đâu mà mua. Chúng tôi tổ chức những đoàn đi săn vịt hoang nhưng chẳng bao lâu thì chúng cũng chẳng còn tung tích con nào. 



Mao, dĩ nhiên, là không bị ảnh hưởng của nạn đói và mọi người cố tình không cho Mao thấy hậu quả tai hại của nó. Nhưng Mao dù sao cũng không thể không biết đến thực tế trầm trọng của nạn đói. Những báo cáo hàng ngày gởi về từ khắp nơi trên đất nước, và vào mùa hè năm 1960 thì Mao trở nên suy thoái tinh thần đến nỗi y nằm vùi trên giường. Về tâm lý, Mao hoàn toàn mất khả năng để đối phó với nạn đói. Mao thực hiện một điều nhượng bộ: Ngưng ăn thịt. Mao nói "Trong lúc mọi người đang đói, tôi không thể ăn thịt." 



Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai sợ sự hy sinh (không ăn thịt) của Mao ảnh hưởng đến sức khỏe nên khuyên tôi nên tìm cách thay đổi ý định của Mao. Một lần, các tỉnh miền Bắc gởi một biếu trung ương một ít thịt cọp và thịt dê. Tôi đề nghị Mao nên ăn thử. Mao lắc đầu "Tôi không ăn thịt bây giờ được." Sự hy sinh của Mao cũng chẳng làm thay đổi chút nào cho nạn đói. Một vài người ở Trung Nam Hải may ra được ăn thêm một chút thịt cọp, thịt dê nhưng không thể làm các vụ mùa thất thu sống lại. Tuy nhiên hành động của Mao ai nghe cũng sinh lòng kính phục. 



Trong lúc đó, Uông Ðông Hưng tiến hành mục tiêu loại bỏ hai kẻ thù của y là Diệp Tử Long và Lý Ngân Kiều. Mao cũng đồng ý với họ Uông là không tấn công Diệp Tử Long một cách công khai trước dư luận. Sinh nhật thứ 67 của Mao là cơ hội để kế hoạch của Uông thực hiện. 



Hai ngày trước đo, Uông Ðông Hưng đã trình bày Mao kết quả chi tiết của cuộc điều tra về cuộc sống tham ô, lãng phí của nhiều nhân viên trong Nhóm Một. Theo lời họ Uông thì trong lúc cả nước đang chịu đựng khó khăn thì nhiều thành viên trong bộ tham mưu riêng của Mao lại sống trong xa hoa, phung phí, làm hại uy tín của Nhóm Một. 



Diệp Tử Long, Lý Ngân Kiều, Vương Kính Tiên, Lý Khắc, Thư Ký Tin Cẩn Cao Chi, Y Tá Trưởng Ngô Nhất Quân và Uông Ðông Hưng đều có mặt trong tiệc mừng sinh nhật lần thứ 67 của Mao. Tôi phải đi Hàng Châu với Giang Thanh nên không có mặt, chỉ nghe Uông Ðông Hưng kể lại câu chuyện sau đó. 



Vì Mao Chủ Tịch vẫn chưa ăn thịt nên buổi tiệc được tổ chức đơn giản. Khi ăn uống được nửa chừng thì Mao cất tiếng kể lại một câu chuyện thời Chiến Quốc (403-221 trước Thiên Chúa). Câu chuyện Tô Tần đi thăm người bạn cố tri của mình là Trương Nghi đang làm Thừa Tướng nước Tần. Tô Tần đang trong lúc khó khăn mong tìm lại bạn cũ để giúp đỡ tiến thân. Trương Nghi sắp xếp để Tô Tần tạm trú trong một dinh thự nguy nga, với đầy đủ tiện nghi để bạn mình thưởng thức nhưng tuyệt nhiên không đích thân tiếp Tô Tần. Sau hai tháng sống một cuộc sống thượng lưu đài các Tô Tần buồn bã trở về nguyên quán, thầm nghĩ rằng người bạn xưa đã phụ lòng mình, không còn coi mình là thân thiết nữa. 



Nhưng ngay khi trở lại nhà, thì căn nhà dột nát bây giờ đã được sửa sang tươm tất, đồ đạc, thực phẩm dư thừa. Một phụ tá của Trương Nghi có mặt tại nhà và trình lại Tô Tần rằng "Quan Thừa Tướng không gặp ngài chỉ vì quan lớn nghĩ rằng đường ngài sẽ lập nên công trạng ở những nơi khác. Quan Thừa Tướng mời ngài giữ làm Sứ Thần để chu du lục quốc và thuyết phục họ đừng tấn công nước Tần." Tô Tần thuận lời và từ đó đã đi khắp thiên hạ dùng ba tấc lưỡi biện thuyết một cách thành công. Nước Tần nhờ thế mà tránh được cơn binh lửa. Mao kể câu chuyện chỉ để bày tỏ ý định là gởi các cán bộ trong bộ tham mưu riêng của ông đi xa giống như Tô Tần vậy. Mao nói "Ngay cả bạn bè cũng không nên sống dựa vào nhau. Mỗi người đều dựa vào chính mình. Ðất nước ta đang gặp đại nạn, nhiều người đang chết đói." Mao muốn các bạn của ông ta lao động tại một cấp thấp hơn, san sẻ cuộc đời với quần chúng, học hỏi những khó khăn của họ và báo cáo cho ông ta biết. 



Nói như thế không phải ai cũng phải ra đi, Uông Ðông Hưng dĩ nhiên là ở lại, Mao muốn Diệp Tử Long, Lý Ngân Kiều, Vương Kính Tiên và Lý Khắc phải đi. Ngoài ra Mao cũng muốn Thư Ký Tin Cẩn Cao Chi và cận vệ riêng Phương Giao Song ra đi. Mao quả thật là một diễn viên xuất sắc. Ông ta loại bỏ những nhân vật then chốt của Nhóm Một, gởi họ đến vùng đói rét và ngay cả khi đuổi họ ra khỏi sở Mao vẫn muốn họ giữ lòng trung thành với ông ta. Mao đóng kịch rằng họ, cũng giống nhân vật Tô Tần trong câu chuyện, là bạn của y. Sỡ dĩ Mao phải làm vậy vì Mao đang muốn được họ giúp đỡ. 



Ngay cả trước khi họ khởi hành, Uông Ðông Hưng cũng xoay xở nhét thêm một kẻ thù vào trong danh sách: Lưu Ðạo Phương. Trong suốt thời gian Uông bị lưu đày, họ Lưu tạm thời đảm nhiệm chức vụ Quyền Giám Ðốc Cục Bảo Vệ Trung Ương. Chính Lưu Ðạo Phương đã tìm cách để Uông không được phục hồi chức vu. Họ Lưu chẳng may lại trở nên nạn nhân cho trò khôi hài dỏm của chính mình, y nói rằng: "Nhiều người trong Nhóm Một được đi cải tạo. Không biết bao giờ tới phiên tôi được đi ?". Uông Ðông Hưng chụp lấy cơ hội ngay "Tôi sẽ trình với Mao Chủ Tịch để xem thử đồng chí có thể đi được hay không." Uông làm bộ không biết họ Lưu đang nói giỡn. Mao chấp thuận và thế là y cũng chuẩn bị để lên đường. 



Sau khi củng cố quyền lực cho chính mình, Uông Ðông Hưng tập trung sự chú ý vào Mao. Những đêm dạ vũ trước đây được tổ chức mỗi tuần một lần, nay tăng lên một tuần hai lần. Y cũng mở rộng số lượng các ban nhạc và các đoàn văn công để làm phong phú thêm chương trình và do đó mà số lượng các nữ vũ công cũng tăng lên một cách đáng kể. Với sự trở lại của họ Uông, các đơn vị quân sự như Quân Khu Bắc Kinh, Tổng Cục Chính Trị Quân Giải Phóng Nhân Dân, Binh Ðoàn Tên Lửa Số Hai và Binh Ðoàn Xây Dựng Ðường Sắt đã cung cấp thêm các đoàn văn công và ca sĩ để làm hài lòng Mao. Vào ngày quốc khánh năm 1959, căn phòng 118 khổng lồ của tòa nhà Nhân Dân Ðại Sảnh trước đây gọi là Phòng Bắc Kinh, đã được dành riêng cho Mao và các vũ nữ trẻ đẹp. Mao cũng chẳng cần ai sắp xếp, chọn lựa như trước đây, chính Mao tự tay chọn lựa cô nào y thích. Mao lúc đó đã 67 tuổi. Trong một buổi tiếp kiến Thống Chế Montgomery của Anh, Mao thú nhận lần đầu tiên rằng y có thể chết. Dù sao thì mức độ dâm dục của Mao gia tăng theo tuổi tác.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét