Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

GIẢI MÃ NHỮNG BÍ ẨN CỦA NGUYỄN TẤT THÀNH

Lời mở đầu
Lịch sử chính trị của Việt Nam trong gần 80 năm qua quy tụ xung quanh hoạt động của nhân vật Hồ Chí Minh, do đó chỉ cần dựng lại bối cảnh 50 năm hoạt động của ông Hồ Chí Minh thì kể như là giải thích toàn bộ mọi biến chuyển khó hiểu của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20.
Nhưng mọi hoạt động của ông Hồ Chí Minh chỉ trở nên rõ ràng sau khi các quốc gia liên quan lần lượt cho giải mã các hồ sơ mật. Hồ sơ mật của Quốc Dân Đảng Trung Hoa được sử gia Tưởng Vĩnh Kính phổ biến năm 1972. Hồ sơ mật của Văn khố Quốc Gia Pháp được các sử gia Nguyễn Thế Anh, Vũ Ngự Chiêu, Daniel Hémery, Philippe Devillers phổ biến vào các năm cuối thập niên 80. Hồ sơ cảnh sát Thượng Hải được sử gia William Duiker phổ biến năm 1990. Hồ sơ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ được Archimedes Patti phổ biến năm 1986. Hồ sơ mật của Văn khố Quốc gia Trung Quốc do Quang Zhai phổ biến năm 1993, Chen Jian và Viện nghiên cứu lịch sử ĐCSTQ phổ biến cùng năm 2.000. Hồ sơ mật của Cọng sản Quốc tế được sử gia Quinn Judge phổ biến năm 1994. Và hồ sơ mật của ĐCS Tiệp Khắc được sử gia Christopher Goscha phổ biến năm 2003.
Trong khoảng thời gian các hồ sơ mật về Việt Nam lần lượt được giải mã thì tập tài liệu “Chuyện Nước Non” này cũng lần lượt được biên soạn và gởi về cho thanh niên ở trong nước, từ năm 1997 cho đến năm 2007. Các hồ sơ mật cũng đã được đối chiếu cẩn thận với tự truyện của ông Hồ Chí Minh dưới bút danh Trần Dân Tiên và T.Lan; đối chiếu với hồi ký “Một Cơn Gió Bụi” của Thủ tướng Trần Trọng Kim, hồi ký “Những Kỷ Niệm Về Bác Hồ” của Hoàng Tùng; hồi ký “Giọt Nước Trong Biển Cả” của Ủy viên bộ chính trị Hoàng Văn Hoan; hồi ký “Làm Người Khó” của Phó thủ tướng Đoàn Duy Thành; hồi ký “Những Kỷ Niệm Về Lê Duẩn” của Phó thủ tướng Trần Quỳnh; hồi ký “Nói Với Mẹ và Quốc hội” của Nguyễn Văn Trấn; hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên; các bút ký “Hoa Xuyên Tuyết”, “Mặt Thật”, Mây Mù Thế Kỷ” của Đại tá Bùi Tín, hồi ký “Theo Bước Chân Lịch Sử” của Ủy viên Bộ Chính trị Mai Chí Thọ; các hồi ký “Những Năm Tháng Không Quên”, “Đường Tới Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ, Điểm Hẹn Lịch Sử”, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; hồi ký “Những Năm Tháng Quyết Định” của Đại tướng Hoàng Văn Thái; hồi ký “Đổi Mới, Niềm Vui Chưa Trọn” của Trung tướng Trần Độ; hồi ức “Từ Đồng Quan đến Điện Biên” của Đại tướng Lê Trọng Tấn; tài liệu “Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” của Chính phủ Hà Nội do Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết; tài liệu quân sử Trung Quốc do Dương Danh Di dịch.
Người sưu tập cũng đã tham khảo kỹ càng với bộ Việt Sử Tân Biên của Sử gia Phạm Văn Sơn, tài liệu “Việt Nam, Những Sự Kiện Lịch Sử” của Dương Trung Quốc; tài liệu “Almanach, Những Sự Kiện Lịch Sử Việt Nam” của Phạm Đình Nhân; tài liệu biên khảo của Nha Quân sử VNCH; tài liệu của Viện sử học Hà Nội; tài liệu của Trung tâm UNESCO tại Hà Nội; tài liệu của Nhà xuất bản Công an Nhân Dân; tài liệu biên khảo của sử gia VNCH Vũ Ngự Chiêu; các sử gia Pháp là Philipper Devillers, Jean Lacouture, Daniel Heimer; các sử gia Hoa Kỳ là Bernard Fall, William Duiker, Quinn Judge, Christopher Giebel, Quang Zhai, King Che Cheang; các sử gia Trung Hoa là Hoàng Tranh, Tưởng Vĩnh Kính; Sử gia Canada Christopher Goscha; và tài liệu biên khảo của các nhà nghiên cứu sử Hoàng Xuân Hãn, Lê Xuân Khoa, Lê Trọng Quát, Minh Võ, v.v…
Bởi vì viết cho thanh niên trong nước cho nên phải dẫn chứng bằng các tài liệu hiện có trong nước và dẫn dắt tùy theo trình độ hiểu biết về chính trị của những người lớn lên trong chế độ CSVN. Tuy nhiên, vì các tài liệu trong nước đều là giả mạo cho nên cần phải điều tra lại từng sự kiện bằng cách đối chiếu với những tài liệu mật mới được bạch hóa trong văn khố quốc gia của nước Pháp, Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc, Đài Loan, Tiệp Khắc. Sau đó lại còn phải điều tra xem CSVN giả mạo ở chỗ nào và vì sao việc giả mạo vẫn đánh lừa được mọi người.
Do đó vấn đề tìm hiểu lịch sử trong giai đoạn vừa qua đòi hỏi phải có phương pháp và thật khoa học, giống như điều tra lại một vụ án đã xảy ra rất lâu trong quá khứ, căn cứ trên các sự kiện công khai còn ghi lại trên báo chí, trong các hồ sơ lưu trữ thời đó hay các hồ sơ mật mới được giải mã sau này. Rồi tổng hợp và giải đoán các chứng cứ để dựng lại diễn biến thời cuộc bằng tâm lý của quần chúng hay tâm lý của mỗi nhân vật lãnh đạo hay một nhóm lãnh đạo, sau đó kiểm chứng lại bằng cách đối chiếu với những lời thú nhận sau này của các nhân vật trong cuộc để chọn lấy một kết luận hợp lý nhất.
Ngoài ra, lịch sử Việt Nam trong thời 100 năm qua là một chuỗi dài chiến đấu cho nên người nghiên cứu lịch sử chính trị Việt Nam cần phải có trình độ hiểu biết về “quân sự học” và phải có kinh nghiệm hoạt động cách mạng, tức là kinh nghiệm hoạt động bí mật trong giai đoạn cứu nước. Nếu không có kinh nghiệm về “tham mưu hành quân” và không có kinh nghiệm hoạt động bí mật thì không thể nào giải đoán nổi các sự kiện khó hiểu trong thời chiến tranh hoặc trong thời kỳ tranh đấu bí mật. Do đó muốn viết về lịch sử chính trị Việt Nam thì cần phải có con mắt nhìn chiến lược. Nghĩa là nhìn từ tình hình chung của thế giới đã dẫn đưa tới từng biến động của Việt Nam; và nhìn từ vị trí lãnh đạo cao nhất nhìn xuống đến vị trí tận cùng là đa số quần chúng, kể cả người dân ở nông thôn hay miền núi.
Từ trước đến nay lịch sử chính trị Việt Nam được viết bởi những nhà văn hoặc các giáo sư dạy sử, tuy nhiên các giáo sư này chỉ căn cứ vào những tài liệu giảng dạy tại các đại học quốc gia Pháp và Hoa Kỳ. Nhưng những tài liệu này đã được biến hóa theo đơn đặt hàng của các thế lực chính trị trong nước của họ, do đó người sưu tập tài liệu này đề cử một lối nhìn hoàn toàn khác về lịch sử chính trị của Việt Nam, căn cứ trên suy nghĩ của dân chúng, những mong muốn của dân chúng, những quyết định của dân chúng; chứ không quan tâm đến những quyết định của các đảng phái hay các lãnh tụ chính trị. Bởi vì thực ra các quyết định của các lãnh tụ chính trị chỉ là nhằm đối phó trước áp lực của các nước lớn trong kế hoạch toàn cầu của họ. Hay nói cách khác, các lãnh tụ chính trị Việt Nam chỉ là con cờ trong kế hoạch nhất thời của các nước lớn.
Người viết tập tài liệu này rất cám ơn nếu như có ai phản bác những điều không đúng có trong tập tài liệu; hoặc bổ sung những thiếu sót có thể đưa tới hiểu sai lịch sử hoặc đưa tới kết luận oan uổng cho một nhân vật lịch sử, nhất là những nhân vật lịch sử của phía CSVN. Chỉ xin một điều là những chi tiết bổ sung phải là những tài liệu đã được quảng bá, có thể kiểm chứng. Và không phải là những chi tiết “nghe nói rằng”. Ví dụ như tài liệu về cô Nông Thị Xuân do ông Vũ Thư Hiên và Nguyễn Minh Cần đã công bố. Dư luận đánh giá cao uy tín và sự chân thực của hai ông nhưng không thể kết luận đó là sự thật bởi vì chuyện này cả hai ông đều “nghe nói rằng”. Cho nên đành phải chờ đợi những bằng chứng khác. Còn trong hiện tại thì vẫn coi như là chuyện đó không có.
Một khi đã nói lên sự thật trái ngược với những sách vở trước kia thì không thể nào tránh khỏi đụng chạm tới những nhân vật từng có nhiệt tâm với lịch sử, nhiệt tâm với đất nước. Và cũng không tránh khỏi được chuyện phải phản bác những luận thuyết từng thống trị diễn đàn chính trị từ trước tới nay, phía bên này cũng như phía bên kia. Giờ đây đã tới lúc phải trả lại sự thật cho lịch sử, nghĩa là phải chỉnh lại các quyển sách lịch sử chính trị Việt Nam hiện được dùng để giảng dạy tại các đại học Pháp, Hoa Kỳ cũng như tại Việt Nam. Bởi vì những sách này hoàn toàn lỗi thời so với những tài liệu mới đựoc giải mã và các hồi ký của những người trong cuộc mới được đưa ra công khai trong vòng hai thập niên vừa qua.
Bài 1: TRÒ NGUYỄN SINH CUNG
Trích sách “Chuyện nước non đau lòng tới nghìn năm” của Bùi Anh Trinh do Làng Văn phát hành năm 2008 :
Nguyễn Sinh Cung
Theo công bố của Phủ Chủ tịch nước thì ông Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890. Sở dĩ Phủ Chủ tịch công bố ngày 19 tháng 5 là ngày sinh nhật của Hồ Chí Minh là vì ngày đó năm 1946 ông Hồ Chí Minh phải rước Cao uỷ Pháp D’Argenlieu đến Hà Nội theo như hiệp ước mà ông đã ký với Pháp. Nếu treo cờ đón phái đoàn Pháp thì sẽ gây phẫn nộ trong dân chúng, ông giả công bố đó là ngày sinh nhật của Chủ tịch nước .
Một số sử gia ghi rằng “theo hồ sơ lưu trữ tại Văn Khố Hải ngoại Pháp” thì ngày sinh của Nguyễn Tất Thành là 15-1-1895. Đó là ngày sinh ghi trong chiếu khán của nhà cầm quyền Đức cấp cho Nguyễn Tất Thành để đi Nga. Hộ chiếu đề ngày 16-6-1923 có dán hình của Nguyễn Tất Thành nhưng tên là Cheng Vang (Trần Vương). Tuy nhiên chiếu khán này căn cứ theo giấy tờ do Nguyễn Tất Thành đệ nạp. Ông đã lấy tên giả thì dĩ nhiên ngày sinh tháng đẻ cũng là giả.
Theo đơn ông xin theo học trường Thuộc Địa tại Pháp năm 1911 thì năm sinh là 1892. Còn theo như tài liệu của Sở Liêm phóng (mật vụ) Pháp sưu tra tại trường Quốc Học Huế thì hồ sơ xin nhập học ghi trò Nguyễn Sanh Côn, sinh ngày 24-1-1892. Tài liệu của mật thám Pháp ghi trò Côn gốc Nghệ An trước đó đã học trường Pháp Nam Thừa Thiên, được đặc ân vào trường Quốc Học Huế niên khóa 1908-1909.
Ngoài ra còn có một tài liệu của mật thám Pháp cho biết năm sinh của Nguyễn Sanh Côn được ghi trong sổ Đinh bạ của làng Kim Liên là năm 1894. Tuy nhiên so lại với tự truyện của ông Hồ Chí Minh viết dưới tên Trần Dân Tiên thì ông đã từ chối lời mời tham gia chính trị của cụ Phan Bội Châu trước khi cụ xuất ngoại vào năm 1905. Do đó nếu ông sinh năm 1894 thì lúc từ chối lời mời của cụ Phan ông mới có 11 tuổi, còn quá nhỏ để bàn chuyện chính trị với cụ Phan. Vả lại cũng trong tự truyện này ông có cho biết là sinh năm 1890. Vậy thì năm sinh 1890 được xem là có lý hơn cả mặc dầu 15 tuổi cũng là quá nhỏ để bàn chuyện quốc sự với một nhà hoạt động chính trị gần 40 tuổi.
Năm 1922, khi mật thám Pháp bắt đầu theo dõi nhân vật tên Nguyễn Ái Quốc trong giới Việt kiều tại Paris thì họ phăng lần ra Paul Tất Thành hay Nguyễn Tất Thành là con ông Nghè Nguyễn Sinh Huy. Họ chỉ thị cho mật thám Pháp tại Trung Kỳ Việt Nam truy lục lý lịch của Nguyễn Tất Thành tại làng Kim Liên huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An.
Các viên chức trong làng đều gọi cha của Tất Thành là ông Nghè Nguyễn Sanh Huy. Trong chữ Hán thì chữ “sinh” thường được người “Đàng Trong” (Tức là người Miền Trung hay Miền Nam) đọc là “sanh” cũng như chữ “chính” thường được người Miền Trung hay Miền Nam đọc là “chánh”, chữ “tính” đọc là “tánh”, chữ “lĩnh” đọc là “lãnh”… Do đó hiện nay đọc các tài liệu của CSVN thì tên họ của cụ Sắc là Nguyễn Sinh Sắc, tên của Nguyễn Tất Thành lúc còn nhỏ là Nguyễn Sinh Cung.
Ngoài ra hầu hết các tài liệu của mật thám Pháp thường ghi tên thủa nhỏ của ông Thành là “Nguyễn Sanh Côn” vì họ ghi theo cách phát âm của các viên chức chính quyền địa phương thời bấy giờ. Các viên chức đọc từ các giấy tờ viết bằng chữ Nôm. Tuy nhiên ngày nay các học giả CSVN cho rằng nếu đọc đúng thì đó là Nguyễn Sinh “Cuông” chứ không phải “Côn”.
Phiên âm và phanh âm: Trong tiếng Việt người ta thường dùng chữ “phiên âm” thí dụ như là “phiên âm quốc tế” để chỉ tới việc ghi lại cách phát âm một từ ngữ địa phương bằng Mẫu tự La Tinh. Nhưng người Trung Hoa lại gọi việc ghi lại bằng mẫu tự La Tinh là “phanh âm”, thí dụ như là “hệ thống phanh âm Wade-Gide” hoặc “hệ thống phanh âm Pin-Yin”. Thuở người Tàu chưa tiếp xúc với văn minh của các nước khác thì họ có kiểu chữ riêng của họ bằng những nét vẽ đơn sơ để miêu tả sự vật hay sự kiện. Do đó ngay trong mỗi chữ của họ đều đã có một hay nhiều nghĩa.
Trong khi đó chữ của các dân tộc khác thì chữ viết chỉ là cách ghi lại tiếng nói cho nên trong chữ chưa có nghĩa mà trong tiếng nói mới có nghĩa. Thí dụ như trong tiếng Việt người ta có thể viết chữ “chự”, nhưng “chự” không có nghĩa gì hết trong khi tiếng Tàu hễ có chữ là có nghĩa; thí dụ như vạch một vạch ngang thì có nghĩa là con số một, vạch hai vạch ngang có nghĩa là con số hai.
Do đó khi phải viết các thổ ngữ địa phương khác thì người Tàu phải dùng một cách “phiên âm”, tức là kiếm trong chữ Tàu có một chữ nào mà đọc lên cũng trài trại như tiếng xa lạ kia. Thí dụ như khi viết về Washington thì họ kiếm ra chữ “Hoa” lúc đọc lên giống như âm “Wa”, chữ “thịnh” lúc đọc lên giống âm “shing”, chữ “đốn” lúc đọc lên giống như âm “ton”; cuối cùng họ dùng ba chữ Hoa Thịnh Đốn để viết lên tên của thủ đô Hoa Kỳ. Cái lối tìm chữ có âm trài trại như vậy gọi là “phiên”hay là “phiến”. Lối viết chữ như vậy gọi là phiên âm.
Trong khi đó người Tây Phương, nhất là người Anh, thì họ muốn ký âm tiếng Tàu bằng mẫu tự La Tinh, tức là nghe người Tàu phát âm một tiếng nào thì họ phân ra thành nhiều vần bằng mẫu tự La Tinh. Thí dụ như chữ “Hoa” của tiếng Tàu được phân thành vần “Hờ”, vần “u” và vần “a”; ráp 3 vần này lại thì được chữ “Hua” để viết họ “Hoa” của ông Hoa Quốc Phong. Cái lối phân một âm thành nhiều vần bằng mẫu tự La Tinh được người Tàu gọi là “phanh âm”. Chữ “phanh” có nghĩa là phân ra thành nhiều mảnh. Năm 1953 ông Mao Trạch Đông ra đạo luật thống nhất một hệ thống phanh âm do Viện Hàn Lâm của Trung Quốc ấn định. Lối phanh âm của chính quyền Trung Quốc được gọi tên là “Hệ thống Pin –Yin”. Sỡ dĩ phải đặt tên cho hệ thống phanh âm quốc gia là hệ thống Pin Yin là để phân biệt với hệ thống phanh âm thông dụng trước đó do hai ông quan cai trị người Anh, đó là ông Thomas Wade và ông Herbert Gide, hai ông này đặt ra hệ thống phanh âm Wade-Gide.
Tuy nhiên hệ thống Wade-Gide thiên về cách phát âm của người Quảng Đông ở miền Nam Trung Hoa, có khác với lối phát âm tiếng Quan Thoại của người Bắc Kinh cho nên Mao Trạch Đông cho đặt ra hệ thống phanh âm Pin Yin để thống nhất các hệ thống phanh âm có trước đây. Chữ “Pin” và chữ “Yin” là do phanh âm từ chữ “Phanh” và chữ “Âm” mà ra. Do đó khi người Anh viết “Pin-Yin system” thì người Tàu viết là “Phanh Âm hệ thống”. Trong khi đó người Việt dùng cả hai, nửa Tàu nửa Anh, viết là “hệ thống Pin-Yin”.
Sau này người Việt học tiếng Anh được các giáo sư quốc tế bày cho cách dùng mẫu tự quốc tế để phanh âm tiếng Anh thì những người Việt gọi đó là cách “phiên âm quốc tế” do vì lầm lẫn khi cho rằng chuyển đổi lối chữ này qua lối chữ kia thì đều gọi là phiên âm; nhưng thực ra việc ký âm một ngôn ngữ bằng ký hiệu quốc tế thì phải gọi là “phanh âm quốc tế”.
Danh từ “phiên âm” được người Việt dùng để nói tới cách phát âm chữ Hán của người Việt. Ngày xưa người Việt dùng lối phiên âm bằng tiếng Việt để đọc chữ Tàu, cũng giống như người Tàu dùng lối phiên âm bằng tiếng Tàu để đọc chữ La Tinh. Thí dụ như chữ “Hàn lâm viện” thì người Tàu phát âm là “Han lin yuan”. Nhưng cái lưỡi của người Việt không uốn éo theo kiểu Tàu được cho nên họ phát âm theo kiểu Việt thành ra “Hàn lâm viện”.
Như vậy người Việt đọc được tất cả các chữ Hán nhưng khi họ đọc lên thì người Hán cũng không hiểu bởi vì người Việt đã phiên âm, tức là dùng những tiếng Việt có cách phát âm trài trại, gần giống. Nhưng nếu ngày nay người Việt dùng chữ Quốc Ngữ mà phanh âm chữ “Hàn lâm viện” của tiếng Tàu thì họ sẽ viết là “Han lin doan”, và khi họ đọc lên thì người Tàu hiểu được ngay bởi vì nó y chang tiếng Tàu. Hoặc khi họ đọc câu chúc tết chữ Hán là “Cung Hỉ Phát Tài” thì người Tàu không hiểu bởi vì người Việt đã phiên âm; nhưng nếu phanh âm thành “Gông hi phát sòi” thì người Tàu hiểu ngay.
Một ví dụ vui vui để phân biệt giữa phiên âm và phanh âm là năm 1924 ông Nguyễn Tất Thành lên diễn đàn phát biểu tại đại hội Nông dân Quốc tế với tên là Miguel Al Kvak. “Miguel” là một tên phổ biến của người Tây Ban Nha, đọc lên gần giống với âm Nguyễn; “Al” là một tên đệm phổ biến của người Anh, đọc lên gần giống với âm Ái. Cho nên hai chữ này là do phiên âm mà ra. Còn lại chữ Quốc thì trong tiếng La Tinh cũng như Anh, Pháp không có tên nào gần giống như vậy, cho nên ông Thành đã phanh âm chữ Quốc ra tiếng La Tinh thành ra chữ Kvak. Đó là ông phanh âm theo kiểu của ông, ngày nay trong các từ điển Việt Anh hay Việt Pháp thì người ta phanh âm quốc tế chữ “quốc” thành ra chữ “kwók”. Như vậy trong cái tên Miguel Al Kvak có hai chữ do phiên âm và một chữ do phanh âm từ tên Nguyễn Ái Quốc.
Ngày nay tại Việt Nam có một lối ký âm ngôn ngữ của các dân tộc khác trên thế giới bằng chữ Quốc ngữ. Thí dụ như “đồng chí Sít Ta Lin”, “nhà văn Sô Lô Khốp”, “tổng thống Giôn Sơn”, v.v… Lối ký âm này gọi là Phanh âm bằng chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên lối phanh âm này hoàn toàn không chính xác vì pha trộn giữa phanh âm và phiên âm; nghĩa là cũng phanh một âm thành nhiều vần bằng mẫu tự La Tinh (A,B,C…), nhưng người Việt không phát âm được một số các phụ âm kép và nguyên âm kép (nhị trùng âm) cho nên có một số học giả trong Viện Thuật ngữ Hà Nội chủ trương phân các phụ âm kép hay nguyên âm kép thành hai âm riêng biệt. Thí dụ như viết tên của đồng chí Miguel Al Kvak là Mi Gu En An Cờ Vách. Vì vậy khi đọc lên thì không ai ngờ đó là chữ Miguel Al Kvak .
Trở lại trường hợp phanh âm chữ Nguyễn Sanh Côn hay Nguyễn Sanh Cuông. Lúc mật thám Pháp đi điều tra tại làng Kim Liên rồi đến trường Quốc Học tại Huế thì họ thấy trong danh sách học sinh năm 1908-1910 chỉ có trò Nguyễn Sanh Côn (Ghi bằng chữ Quốc Ngữ) được theo học do hội “Tương tế Nghệ Tĩnh” bảo trợ. Trong sổ bộ Đinh của làng Kim Liên tên của trò Côn được ghi bằng chữ Nôm do ghép hai chữ “Côn” và “Cung” của tiếng Hán, một chữ chỉ cách phát âm và một chữ chỉ nghĩa. Theo cách viết chữ Nôm thì hai chữ này có khi viết trước, có khi viết sau, có khi viết trên, có khi viết dưới, tùy theo thuận tiện và mỹ thuật.
Do đó khi thấy chữ Côn ở bên chữ Cung thì mọi người đọc là “Côn” và hiểu nghĩa của nó là “Cung”. Nhân viên mật thám Pháp ghi lại tên của trò Côn y như cách đọc của các viên chức tại làng Kim Liên. Tuy nhiên sau này các nhà hàn lâm của CSVN lại cho rằng người Nghệ An phát âm chữ Cung thành âm “Cuông” cho nên nếu viết tiếng Cuông bằng chữ Nôm thì phải viết chữ Côn bên chữ Cung. Vì vậy khi thấy chữ “Côn nằm bên chữ Cung” thì phải đọc là Cuông chứ không thể là Côn được, bởi vì nếu tên là Cung thì chỉ cần ghi một chữ Hán là Cung, còn nếu tên là Côn thì chỉ cần ghi một chữ Hán là Côn. Đàng này vừa Côn vừa Cung thì bắt buộc phải là Cuông, và âm “Cuông” trong xứ Nghệ có nghĩa là âm “Cung” ở các xứ khác. Nguyên do có sự khác nhau giữa Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Sanh Côn là như vậy.
Cha của Nguyễn Sinh Cung tên là Nguyễn Sinh Sắc, tên tự là Nguyễn Sinh Huy, thi đỗ Tiến sĩ năm 1901. Mãi đến năm 1906 mới được bổ làm Thừa biện bộ Lại cùng một lượt với ông Nghè Hoàng Đại Bỉnh. Thời đó công chức của triều đình xếp hạng từ nhất phẩm đến cửu phẩm nhưng mỗi phẩm lại chia ra chánh phẩm và tòng phẩm; thí dụ như “Chánh nhất phẩm” rồi đến “Tòng nhất phẩm”; rồi đến “Chánh nhị phẩm”, rồi “Tòng nhị phẩm”…
Từ Chánh nhất phẩm đến Tòng lục phẩm thuộc ngạch quan lại. Chức Tri huyện tức là đứng đầu một huyện cũng như chức Học chánh, Thông phán….thuộc vào ngạch trật “Tòng lục phẩm”. Nhưng bắt đầu từ Chánh thất phẩm trở xuống thì thuộc ngạch thư lại, tức là nhân viên văn phòng. Chức Thương biện, Thừa biện, Lục sự, Giáo thụ… thuộc ngạch Chánh thất phẩm. Như vậy chức Thừa biện của cụ Sắc chưa phải là một chức quan, nếu lên thêm một bậc mới là quan. Do đó mức sống của gia đình cụ trong thời gian này cũng rất thanh bạch.
Tháng 9 năm 1909 Nguyễn Sinh Huy được cử làm tri huyện An Khê tỉnh Bình Định. Đến tháng giêng năm 1910 vì lỡ tay đánh chết một phạm nhân trong lúc say rượu, ông bị cách chức ( Hsltr/Quốc gia Pháp, báo cáo điều tra của cơ quan mật thám Pháp tại Trung Kỳ gởi cho cảnh sát Paris về cha của NTT ), lúc này bà Sắc đã mất. Có lẽ lúc làm quan rất thanh liêm nên khi mất chức ông sống chật vật, ông đem các con vào Huế vừa dạy học, vừa làm nghề thuốc Bắc.
Nhưng đời sống khó khăn cho nên cuối cùng ông tìm cách vào Nam mưu sinh, ông gởi con cho ông nghè Võ Văn Giáp ( Cha của ông Võ Bá Hạp và là ông nội của ông Võ Như Nguyện ) nhờ chăm nom giùm. Cụ Giáp cho người con cả là Nguyễn Sinh Khiêm, tên tự là Nguyễn Tất Đạt; và cô gái thứ là Nguyễn Thị Thanh, tên tự là Nguyễn Thị Kim Liên; cùng học nghề thuốc bắc. Còn Nguyễn Sinh Cung, tên tự là Nguyễn Tất Thành, được hội tương tế Nghệ Tĩnh giúp đỡ học tiếp ở trường Quốc Học (Hồi ức của ông Võ Như Nguyện, giáo sư Nguyễn Lý Tưởng ghi).
Năm 1910, cuối năm, nhân dịp Toàn quyền Pháp cho xử lại vụ án Phan Chu Trinh, Cung tham gia biểu tình đòi tha Phan Chu Trinh rồi sau đó trốn luôn vì sợ bị bắt, ông lên đường vào Nam mong tìm gặp cha của mình. Ngang Long Hương Phan Thiết ông ghé hỏi thăm cha tại nhà ông Nghè Trương gia Mô, cụ Mô không biết tin tức về cụ Sắc nhưng khuyên Cung nên lưu lại Phan Thiết trong khi chờ dò tin của cha mình.
Cung lưu lại Duồng, Phan Thiết một thời gian rồi xin dạy học ở trường Dục Thanh Phan Thiết, tại đây ông có dịp làm quen với các thương buôn hải ngoại thường ghé bến Phan Thiết lấy hàng, từ đó ông có ý xuất dương. Lúc dạy học ông lấy tên tự của mình làm giấy tờ là Nguyễn Tất Thành (Tài liệu của báo Thanh Niên thành phố Hồ Chí Minh, báo này do Trần Bạch Đằng sáng lập và làm việc trong ban biên tập).
* Chú giải : Ông nghè Trương Gia Mô là cha của ông Trương Gia Kỳ Sanh và là ông nội của ông Trương Gia Triều tức Trần Bạch Đằng. Cụ Mô cùng học trường Quốc tử giám với ông Nghè Nguyễn Sinh Sắc và hai ông cùng đỗ tiến sĩ với Phan Chu Trinh vào năm 1901. Năm 1905 Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đi thăm các tỉnh Miền Nam. Đến Phan Thiết các ông ghé lại nhà ông Trương Gia Mô thì Phan Chu Trinh bị bệnh phải ở lại dưỡng bệnh. Sau khi hết bệnh Phan Chu Trinh tiếp tục đi thăm Miền Nam và trở về năm 1906.
Cụ Mô bị Pháp bắt giam trong vụ nổi dậy chống thuế năm 1908. Trường Dục Thanh là trường học do cụ Mô cùng Hồ Tá Bang và Nguyễn Trọng Lôi hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Chu Trinh mà lập ra. Ngoài trường Dục Thanh, các ông còn lập ra hãng nước mắm Liên Thành tại Phan Thiết.


Chuyện dạy học tại trường Dục Thanh là do tác phẩm “Bác Hồ” (trang 23) của Hoài Thanh và Thanh Tịnh viết ra chứ trong 2 tự truyện của ông Nguyễn Tất Thành không hề nhắc tới. Tuy nhiên ông Hồ Tá Khanh là con trai của chủ nhân trường Dục Thanh cho biết thì gia đình ông không nhớ ra nhân vật NTT. Truy lại hồ sơ các giáo viên tại trường cũng không có, nhưng em gái của ông Khanh cho biết có nhiều người chỉ dạy thêm trong một mùa hè nên không nhớ được.
Nếu có thể thì ông NTT chỉ dạy hè. Ngoài ra tài liệu của CSVN kỷ niệm ngày ông rời Sài Gòn là ngày 5-6-1911. Trong khi tài liệu của mật thám Pháp ghi ông rời Sài Gòn vào tháng 7-1911. Tài liệu của Pháp có lý hơn vì nếu ông rời Sài Gòn ngày 5-6 thì ông không có dạy hè tại Phan Thiết bởi vì đến đầu năm 1910 thì cụ Nguyễn Sinh Sắc mới bị cách chức. Cuối năm 1910 Cung tham gia biểu tình rồi bỏ học để đi tìm cha và lưu lại Duồng một thời gian thì kịp đến ngày học sinh nghĩ hè. Nếu ông rời Sài Gòn ngày 5-6-1911 thì không kịp dạy học tại trường Dục Thanh.
Trước khi tài liệu của Bộ Hải Ngoại Pháp được giải mã vào năm 1980 thì có hai nhà báo nổi tiếng của Pháp đã đến Hà Nội phỏng vấn các lãnh tụ CSVN cũng như phỏng vấn ngay cả Hồ Chí Minh để viết về tiểu sử của Hồ Chí Minh. Nhà báo Jean Lacouture đến Hà Nội vào tháng 11 năm 1961 và nhà báo Bernard Fall đến Hà Nội vào tháng 7 năm 1962. Tuy nhiên các câu trả lời phỏng vấn đều xác nhận lại những gì do Viện nghiên cứu lịch sử Đảng đã từng công bố.
Theo đó thì cụ Nguyễn Sinh Sắc đã từ quan vào năm 1908 để phản đối chính sách cai trị của Pháp. Và Nguyễn Tất Thành bỏ học vào năm 1908 vì tham gia biểu tình chống thuế do Phan Chu Trinh phát động. Tuy nhiên ông Phạm Văn Đồng có cho Bernard Fall biết rằng ông Hồ Chí Minh rời trường Quốc Học Huế vào năm 1910 mà không có bằng cấp gì. Vậy thì chuyện biểu tình chống thuế năm 1908 là không có vì phong trào biểu tình chống thuế chỉ có ở các thôn quê và do các nông dân chứ không ảnh hưởng tới học sinh Huế. Nhưng năm 1910 thì phong trào đòi tha Phan Chu Trinh nổi lên rầm rộ tại các trường học trong khắp nước.
Sở dĩ các nhà báo phải gặp ông Phạm Văn Đồng để viết về lịch sử Việt Nam bởi vì thời đó ông Đồng là Trưởng ban tuyên huấn của Trung ương Đảng cho nên tất cả những gì có liên quan đến văn hóa văn nghệ đều phải qua ban tuyên huấn các cấp. Riêng đối với các nhà báo cấp Quốc tế thì mọi ý kiến phát biểu phải qua Trưởng ban tuyên huấn Trung ương. Do đó các nhà báo chỉ được phép nói chuyện với ông Phạm Văn Đồng không phải vì chức vụ Thủ tướng mà vì chức vụ Trưởng ban Tuyên huấn.
Dĩ nhiên khi tiếp xúc với hai nhà báo thì ông Đồng chỉ nói những điều mà ông và ông Hồ đã từng thỏa thuận với ông Trưởng Ban nghiên cứu lịch sử Đảng là Trần Huy Liệu, dựa trên căn bản là 2 cuốn tự truyện của ông Hồ dưới tên Trần Dân Tiên và T.Lan. Tất cả những gì ông Trần Dân Tiên viết ra chỉ có một mình ông HCM biết. Tuy nhiên so lại với tài liệu của Quốc gia Pháp và tài liệu của CSQT được giải mật thì ông Tiên thêu dệt thêm nhiều chuyện và dựng đứng ra rất nhiều chuyện.
Đến năm 1980 tài liệu mật của Bộ Hải Ngoại Pháp được giải mã, sử gia Daniel Hémery của Pháp cho công bố những báo cáo của mật thám Đông Dương về ông Nguyễn Tất Thành thì mọi người mới biết rằng cụ Sắc bị cách chức vì lỡ tay đánh chết tội nhân trong lúc say rượu vào năm 1910. Sau khi cụ Sắc đi vào Nam thì Nguyễn Tất Thành mới bỏ học. Sau này lãnh tụ Cọng sản Hoàng Tùng là người thân cận của Hồ Chí Minh cũng xác nhận chuyện này trong hồi ký của ông.
Báo cáo của mật thám Pháp không nói rõ chính tay cụ Sắc đánh chết hay cụ sai nhân viên đánh chết nhưng hồi ký của Hoàng Tùng giải thích tai nạn xảy ra do cụ Sắc ra lệnh đánh tội nhân bằng roi vì người này can tội trộm cắp; tuy nhiên không ngờ là tội nhân này đang bị bệnh sẳn nên không chịu nỗi đòn roi mà chết. So sánh giữa báo cáo của mật thám Pháp và lời giải thích của Hoàng Tùng thì có lẽ Hoàng Tùng tự ý bào chữa cho cụ Sắc chứ không chắc Hoàng Tùng biết rõ chuyện này bởi vì nếu đúng là tai nạn thì triều đình đã không cách chức cụ Sắc.
Bùi Anh Trinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét