Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

TIẾC THƯƠNG NGÔ TỔNG THỐNG


Luật Sư LÊ CÔNG ĐỊNH - Lúc thiếu thời đi học, nhắc đến cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, đa số thầy cô dưới mái trường XHCN của tôi đều gọi là “thằng Diệm” và “thằng Thiệu”. Về nhà tôi kể lại cho ba mẹ nghe. Ông bà nghiêm nghị cấm tôi không nên bắt chước thầy cô, vì như thế là vô lễ và bất kính đối với các bậc tiền nhân. Sau này, trưởng thành, có dịp đi làm việc ngang vùng Ninh Thuận, một đồng nghiệp lớn hơn tôi vài tuổi hỏi: “Nghe nói vùng này là quê hương của thằng Thiệu?”

Tôi cau mày, đáp: “Dù sao ông Nguyễn Văn Thiệu cũng đáng bậc cha chú của anh mà! Nếu mình đi đến vùng Nghệ An, em nói đây là quê hương của thằng Hồ, anh sẽ cảm thấy thế nào?”
Anh ấy chống chế: “Xin lỗi, thói quen thôi mà!”
Từ đấy anh ấy xem tôi là “phản động” (!). Tôi hãnh diện về tiếng “phản động” đó, vì nhớ đến lời giáo huấn đạo làm người của cha mẹ tôi.
Ba tôi, một người tham gia phong trào cộng sản, vẫn luôn bày tỏ lòng kính trọng đối với cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm. Ông thường nhận định với tôi rằng dân tộc này sẽ tốt đẹp hơn nhiều, thậm chí có thể sánh ngang với Nhật Bản ở Á châu, nếu cụ Diệm lèo lái con thuyền đất nước đến được bờ bến mà cụ tâm niệm và tranh đấu cả một đời. Khi tôi tỏ vẻ ngạc nhiên vì sao ông chưa bao giờ bày tỏ sự tôn trọng tối thiểu đối với bất kỳ lãnh tụ cộng sản nào, ba tôi lắc đầu trả lời: “Ba chọn lầm đường!” Và ông luôn căn dặn tôi: “Thế hệ của con không được quyền lạc lối như ba.”
Mỗi sáng mùng một Tết hàng năm lúc tôi còn là học sinh tiểu học và trung học, sau khi sang chúc Tết ông nội về, ba mẹ thường đưa anh em chúng tôi đến nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi viếng mộ dượng sáu tôi là ký giả Vân Sơn Phan Mỹ Trúc, Chủ bút nhật báo Đông Phương ở Sài Gòn trước 1975. Bao giờ cũng vậy, trước khi đến mộ dượng tôi, ba tôi luôn dừng lại thắp hương, còn mẹ tôi (một giáo dân Công giáo) đọc kinh cầu nguyện trước mộ Tổng thống Ngô Đình Diệm, Cố vấn Ngô Đình Nhu và bà cụ cố thân sinh của hai ngài. Anh em chúng tôi phải đứng chấp tay, cúi đầu. Điều đó đã trở thành thông lệ của gia đình tôi ngày xưa.


Năm 1998, sang Pháp học, tôi đọc một quyển sách về Tổng thống Ngô Đình Diệm và biết rằng sau khi nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi bị giải tỏa năm 1985, hài cốt của ba vị cùng với ông Ngô Đình Cẩn được thân nhân chuyển về nghĩa trang Lái Thiêu.
Tết năm 1999, nhân dịp trở về Việt Nam dự chương trình Orientation dành cho sinh viên nhận học bổng Fulbright du học Hoa Kỳ, tôi chở ba tôi đi Bình Dương tìm nghĩa trang Lái Thiêu, mà ông còn nhớ tên gọi xưa là “Nhị Tì Quảng Đông”. Chúng tôi dò hỏi những người dân gác mộ xung quanh đó, thì được hướng dẫn tận tình và đưa đến tận nơi. Họ còn nhắc nhở chúng tôi viếng nhanh rồi về, vì buổi trưa các du kích xã đi ăn cơm nếu không chúng tôi có thể bị mời về xã đội điều tra lý do viếng mộ ông Ngô Đình Diệm (?).
Đám loạn tướng VNCH , những kẻ tiếp tay cho Hồ Chí Minh  Và Cộng Sản Bắc Việt bức tử Việt Nam Cộng Hòa
Theo quyển sách tôi đọc, bia mộ của cố Tổng thống ghi “Giacôbê Đệ”, còn bia mộ của ông Cố vấn ghi “Baotixita Huynh”, do thân nhân lúc cải táng cố tình tráo hai chữ “huynh”“đệ” để kẻ gian nhầm lẫn. Tôi không rõ thực hư việc này, nhưng quả nhiên thấy rõ những dòng chữ ấy. Giữa mộ hai ngài là mộ của bà cụ cố thân sinh. Cách một quãng xa, ngôi mộ có tấm bia dựng cao ghi chữ “Can” và năm mất 1964, chính là mộ phần của ông Ngô Đình Cẩn. Hai cha con tôi kính cẩn làm lễ, thắp hương, đọc kinh cầu nguyện và chụp ảnh lưu niệm.
Suốt đoạn đường về ba tôi trầm ngâm, muộn phiền trước cảnh một nhân vật từng có sự nghiệp vĩ đại nhất của dân tộc ở thế kỷ 20 mà cuối đời chỉ còn nắm tro tàn vùi chôn tại một nơi và theo một cách thức không tương xứng với tầm vóc và đóng góp của ông. Nỗi buồn của ba lây sang cả tôi.
Trở lại Paris năm đó, tôi tìm đến thăm trường Ecole des Chartres, một trong những trường danh giá nhất của Pháp, nơi ông Ngô Đình Nhu từng theo học. Ngôi trường ấy tọa lạc gần trường luật Panthéon-Assas của tôi. Tôi vẫn nể phục ông Nhu như một nhà tư tưởng lớn hiếm hoi của Việt Nam đương thời.
Từ chuyến đi năm 1999 trở về sau, lúc thì vào dịp Tết, lúc nhân ngày giỗ hai ông, tôi âm thầm đến viếng mộ phần của bốn vị đều đặn. Giữa năm 2007, một buổi chiều cuối tuần, đón tiếp luật sư Lê Quốc Quân vào Sài Gòn, tôi đưa anh và hai vợ chồng luật sư đồng nghiệp cùng đến nghĩa trang Lái Thiêu. Chúng tôi đã tổ chức một buổi lễ tôn nghiêm dành cho các vị, với nguyện ước một ngày không xa công lao và danh dự của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm sẽ được phục hoàn và tôn vinh tương xứng với sự nghiệp vĩ đại của ông.
Tiếc rằng giờ đây đang trong thời gian quản thúc, ngày mai tôi không thể đến viếng mộ phần của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và ba vị tiền nhân như mong ước, hy vọng lời chia sẻ này thay cho nén hương tưởng niệm để tỏ lòng kính trọng và niềm tiếc thương của tôi dành cho nhân vật lịch sử đã từng tranh đấu và ngã xuống vì quốc gia Việt Nam.

 Luật Sư LÊ CÔNG ĐỊNH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét